Lạc lối ở thiên đường hoa sơn tra Nậm Nghiệp

Hoàng hôn buông dần trên miền núi cao, khói bếp chiều lấp ló bên nếp nhà giữa những rừng cây hoa sơn tra nở trắng tinh, đâu đó là những âm thanh nô đùa của đám trẻ con bản Hmong réo rắt, mây lạnh lãng đãng về làng… Không ồn ào tiếng còi xe, không có các tòa tháp cao tầng, không có tiếng ồn ã của nhịp sống xô bồ, không có deadline hay áp lực cơm áo gạo tiền. Ở Nậm Nghiệp-bản cao nhất Việt Nam- chỉ có bình yên

Tháng 3 mùa xuân trăm hoa đua nở khắp đất trời các vùng núi cao ở miền Bắc Việt Nam. Trong đó có một loài hoa rất đặc biệt phủ trắng tinh khôi khắp núi đồi bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La với cái tên mỹ miều- Hoa sơn tra-hay còn gọi là hoa táo mèo.

Hoa sơn tra, hay còn gọi là hoa táo mèo, nở rộ tinh khôi khắp đất trời phủ trắng bản Nậm Nghiệp, Mường La, Sơn La
  1. Bản Nậm Nghiệp ở đâu?

Nằm ở độ cao 2.000 đến 2.500m, Nậm Nghiệp là bản cao nhất Việt Nam hiện nay- thủ phủ của cây sơn tra với tổng diện tích khoảng 1.260 ha. Trong đó, gần 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 – 500 năm. Nậm Nghiệp là một bản làng nhỏ nằm cheo leo giữa những ngọn núi của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. 

Nậm Nghiệp là một bản làng nhỏ nằm cheo leo giữa những ngọn núi của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Với 135 hộ, 100% người dân của bản là đồng bào dân tộc Mông.

Hiện Nậm Nghiệp đang có năm dòng họ chính, là: Kháng, Sùng, Thào, Giàng, Phàng. Trong đó, họ Kháng lớn nhất ở đây. Bản có 135 hộ với hơn 700 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông đen. Vốn là bản cao, trước khi đường được đổ bê tông như hiện nay (hoàn thành vào 15.3.2025) thì xưa kia lại hầu như tách biệt so với các vùng khác nên đời sống của bà con chủ yếu là tự cung, tự cấp. Ruộng bậc thang cheo leo sườn đồi, giống lúa trụ được cũng rất đặc biệt, nấu cơm lên hạt to, đỏ đục như… hạt đậu. Khách xa ăn cơm hạt to thấy lạ lẫm vô cùng…

Hiện Nậm Nghiệp đang có năm dòng họ chính, là: Kháng, Sùng, Thào, Giàng, Phàng. Trong đó, họ Kháng lớn nhất ở đây. Bản có 135 hộ với hơn 700 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông đen

Nậm Nghiệp nằm trọn vẹn trên triền phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là núi Pú Luông cao 2.985 mét thuộc huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Nói đến Pú Luông không thể không nhắc tới đỉnh cao nhất là Tà Chì Nhù vốn nổi tiếng đối với những ai đam mê khám phá leo núi, chinh phục đỉnh cao. Nếu phía Tà Chì Nhù rừng núi đỏ rực màu hoa đỗ quyên, điểm xuyết những vạt tím mơ màng của hoa chi pâu thì phía Nâm Nghiệp bên này trùng trùng những khoảnh rừng táo mèo trên trăm năm tuổi đang nở hoa trắng xóa.

2. Nên đến Nậm Nghiệp vào mùa nào?

Nậm Nghiệp nổi tiếng được biết đến những năm gần đây nhờ các bạn leo núi, họ đi qua bản để chinh phục ngọn núi Tà Chì Nhù vào tháng 3, khi đó khắp bản làng Nậm Nghiệp phủ trắng bởi hoa sơn tra (hay còn gọi là hoa táo mèo). Và gần đây được chính quyền địa phương cũng như một số Anh bạn người Kinh yêu quý Nậm Nghiệp vận động bà con nơi này làm du lịch, cũng như hỗ trợ người dân địa phương giới thiệu về bản làng xinh đẹp như cổ tích này được biết đến nhiều hơn.

Từ cuối tháng 2, khi đất trời bước sang mùa xuân, là lúc những bông hoa sơn tra bắt đầu nở. Đến giữa tháng 3, là lúc hoa sơn tra nở rộ nhất. Hoa sơn tra ở Nậm Nghiệp trải qua hàng trăm năm ở độ cao khoảng 2.500m, có màu trắng ngà, hoa có 5 cánh, nhụy màu vàng, khi nở thành từng chùm bông ôm trọn cành cây mộc mạc, như những cây bông tuyết khổng lồ. Hoa sơn tra có vẻ đẹp dung dị, mộc mạc, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của đồng bào dân tộc Mông.

có màu trắng ngà, hoa có 5 cánh, nhụy màu vàng, khi nở thành từng chùm bông ôm trọn cành cây mộc mạc, như những cây bông tuyết trắng tinh ôm lấy thân cây già cỗi

Và để tạo thuận lợi cho du khách ngắm hoa sơn tra, xã Ngọc Chiến đã thành lập tổ công tác khảo sát lựa chọn các địa điểm “check in” vườn hoa sơn tra đẹp nhất với 10 địa điểm ngắm hoa, như: Vườn hoa sơn tra cổ thụ, điểm dân cư Ngam La, Home stay A Lệnh, Home stay A Vạng, quán cà phê The Lover Hill…

Khắp bản Nậm Nghiệp phủ trắng hoa sơn tra thơ mộng

Tháng 3 ở Nậm Nghiệp không chỉ có hoa sơn tra mà còn là mùa của hoa ban, hoa gạo nở rộ. Trên đường từ bản Lướt, xã Ngọc Chiến đến bản Nậm Nghiệp là 10km cheo leo, hoa ban phớt hồng rung rung đón gió, hoa gạo nép mình nở rạng rỡ đỏ bừng khoe sắc 1 góc làng.

Hoa ban ở Nậm Nghiệp rất đẹp, nằm ở độ cao trên 2000m nên gần như cây rụng lá hoàn toàn, giúp cho các chùm hoa ban nở bừng khoe sắc thắm, đẹp đến nao lòng dưới ánh nắng xuân dịu dàng nơi viễn xứ

Hoa gạo hay còn gọi là hoa mộc miên- loài hoa cánh đơn, với 5 cánh lớn, cánh dày và có điểm đặc trưng là không mọc sát nhau, nhưng lại bung nở đỏ rực cùng thời điểm. Hoa gạo là loài hoa nở trong dịp cuối Xuân, vào tháng Ba, thời khắc báo hiệu những ngày rét chuẩn bị đi qua, nhường chỗ cho những tia nắng hạ.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 cũng là mùa hoa đổ quyên trên đỉnh núi Tà Tao, Tà Dông nở rộ đủ màu khoe sắc

Được mệnh danh là “nữ hoàng hoa rừng Tây Bắc”, đỗ quyên với nhiều những sắc màu đa dạng, đậm nhạt khác nhau, cánh hoa vừa mỏng manh, vừa mang nét huyền bí hoang dại… đủ để khiến bước chân những người leo núi bỗng chậm lại, ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Tháng 9 đến tháng 10 là mùa hoa tím chi pâu. Hoa chi pâu thường mọc ở độ cao trên 2.000m, và mỗi năm chỉ nở rộ một lần vào mùa thu, mỗi lần kéo dài khoảng một tuần tại các vùng núi phía Bắc. Đến Nậm Nghiệp và chinh phục đỉnh Tà Tao, Tà Dông hay Tà Chì Nhù (Yên Bái) bạn sẽ được ngỡ ngàng trước bốn bề núi rừng phủ kín loài hoa tím không tên này.

Ảnh: sưu tầm
Hoa Chi Pau trong tiếng Hmong nghĩa là không biết

3. Đi đến Nậm Nghiệp bằng cách nào?

– Xe máy: là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất nếu bạn là dân phượt hay đầy kinh nghiệm đi đèo, dốc địa hình và có sức khỏe tốt thì có thể đi xe máy từ Hà Nội lên Nậm Nghiệp bằng 2 cung:

+Thứ nhất, theo đường Mộc Châu đến thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) rồi đi về huyện Mường La, sau đó đi tiếp theo đường về xã Ngọc Chiến. Sau đó đi thêm 10km đến Nậm Nghiệp, đoạn này chỉ 10km nhưng khá dốc và cua tay áo.

+Thứ hai, theo đường Nghĩa Lộ, đi Tú Lệ (Yên Bái), đến ngã ba Kim thì rẽ trái vào Ngọc Chiến.

– Ô Tô: Thuê ô tô riêng cũng là một phương tiện tốt để bạn có thể giữ sức chinh phục những điểm khó nhằn và cũng rất thuận tiện nếu như bạn muốn dừng bất kỳ nơi đâu trên đường nếu có cảnh đẹp. Tuy nhiên đi ô tô thì ai không quen đường đèo cao, dốc sẽ nguy hiểm và dễ bị say xe.

– Xe khách: gồm có xe giường nằm và Limousine. Có thể đi theo 2 hướng theo như xe máy đề cập bên trên. Mình đi cung Yên Bái nên sẽ chia sẻ với mọi người theo cung này. Mua vé xe giường nằm Cường Lan (hoặc các hãng khác từ Hà Nội đi Ngã Ba Kim (Mù Cang Chải, Yên Bái). Xuống ngay ngã ba Kim sẽ có chỗ thuê xe máy HÙng Nga, nếu bạn muốn tự lái thì thuê xe máy ở đây, nếu muốn giữ thể lực thì thuê taxi tại đây lên bản Nậm Nghiệp, giá được niêm yết rõ ràng trên page “Nậm Nghiệp-Bản cao nhất Việt Nam” nên không sợ chặt chém.

Tuy nhiên, dịch vụ của các xe đi tuyến Mù Căng Chải rất kém, một số nhà xe giường nằm Như Cường Lan, Thế Anh,… chở khách từ Hà Nội đi Yên Bái, Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, tuy nhiên do lượng du khách đông nên thường quá tải, xe không được vệ sinh lắm và nhồi nhét (mình là nạn nhân nằm giữa 2 lối đi dù đã đặt vé xe trước nửa tháng). Còn Limousine thì giá cả cao hơn, nhưng cũng nhiều nhà xe mọc lên ăn theo mùa và dịch vụ không mấy tốt, dễ bị phốt.

– Xe ôm địa phương: nhằm phát triển du lịch địa phương nên mọi người hay chọn sử dụng xe ôm từ xã Ngọc Chiến đi nậm Nghiệp và ngược lại (100k/xe/chiều – rất đáng tiền) Và có hợp tác xã bản Nậm Nghiệp hỗ trợ nên giá cả được niêm yết rõ ràng, vừa ngắm cảnh vừa giúp được bà con vùng cao nên mình chọn phương án này cho cả những ngày du lịch tại bản.

Để di chuyển đến các địa điểm đẹp check in trong bản thì lựa chọn tối ưu là xe ôm bản địa vì địa hình ở đây rất cheo leo, đường xá rất xấu và nếu không quen tay lái thì sẽ khá nguy hiểm

Danh sách nhà xe tuyến Mỹ Đình – Ngã 3 Kim – Ngọc Chiến

Thế Anh(0816985985);
Kiên Huyền (0976176355); 
Thảo Nguyên (0961853385); 
Gia Khánh (0963788599). 
Nhà xe Thảo Nguyên chạy thẳng vào Ngọc Chiến, nhưng phải đổi sang xe bé.  

Nếu bạn muốn thuê xe 7 chỗ chở lên bản thì gọi hotline của HTX Nậm Nghẹp 0904898688.
Điện thoại thuê xe máy ở Ngọc Chiến (bản Lướt) là 0383055407.
Taxi Nam 0833502974
– Để tiết kiệm thời gian thì bạn có thể đi xe đêm, đón khoảng 11g30 đêm ở đối diện Đại học Thương mại, xe Cường Lan, điện thoại 0961357799. Đi đến Ngã Ba Kim khoảng 5g30 xuống, thuê xe máy để chạy lên Nậm Nghiệp.
Thuê xe máy nhà Hùng Nga, số điện thoại 0387248888.
Thuê nhà Hải, số điện thoại 0965288818

4. Lưu trú ở đâu?

Tùy theo lịch trình mà lựa chọn homestay phù hợp, nếu đi theo Kame thì đề xuất mọi người nên trải nghiệm ở cả Bản Lướt và bản Nậm Nghiệp. Hiện nay bà con địa phương được vận động làm homestay bài bản hơn, dù vẫn còn nhiều điểm không thể so sánh với các nơi nổi tiếng du lịch khác nhưng Kame lại thấy khá thích.

Homestay Sơn Tra Forest ở Nậm Nghiệp

Ở cả bản Lướt (Ngọc Chiến) là khu cư ngụ của người dân Thái nên đa phần là nhà sàn vách gỗ, nhà cộng đồng nên sẽ hơi ồn ào náo nhiệt hơn, bù lại có suối khoáng nóng khá thích. Bản Nậm Nghiệp thì các homestay cũng đa dạng có cả cộng động lẫn bungalow và camping giữa rừng hoa sơn tra. Giá bên dưới chỉ là giá tham khảo, thực tế có thể chênh lệch đôi chút.
♥️Một là loại phòng riêng standard 2 người có nhà vệ sinh bên trong, giá khoảng 600k -800k/đêm. Phòng luxury 1000k/đêm.
♥️Phòng riêng standard 4 người, 2 giường, có vệ sinh bên trong 1,000k-1.200k/đêm. Phòng luxury 1500k.
♥️Phòng riêng 2 người dạng cabin 300k/đêm.
♥️Giường cộng đồng, vệ sinh bên ngoài 120k-150k.

♥️Một số homestay ở bản Lướt, Đông Xuông, Nà Tâu, Nậm Nghiệp. Liên hệ hotline HTX Nậm Nghẹp 0904898688.

  • Homestay Hương Rừng bản Đông Xuông.
  • Ngoc Chien Pearl Homestay bản Nà Tâu.
  • Hoàn Hậu Homestay bản Lướt.
  • Mạnh Phương Homestay bản Lướt.
  • A Lệnh homestay bản Nậm Nghẹp.
  • A Vạng homestay bản Nậm Nghẹp.
  • A Gạng Homestay Nậm Nghẹp.
  • Sơn Tra Forest Nậm Nghiệp.

Bạn lưu ý, hầu như cuối tuần các chỗ nghỉ ở đây đều full phòng vào mùa hoa sơn tra nên phải đặt phòng sớm hoặc nên đi các ngày trong tuần để chắc chắn có chỗ ngủ.
Nếu bạn có lều thì cũng khá ổn. Ngủ lều dưới rừng táo ở Nậm Nghiệp rất thú vị, nhưng lưu ý rất lạnh, nên mang túi ngủ theo nhé.

5. Ăn gì ở Nậm Nghiệp?

Ở Nậm Nghiệp hay bản Lướt (Ngọc Chiến), Nà Tâu…bạn đều có thể đặt chủ nhà homestay nấu ăn cho mình.

Bữa cơm giản đơn của nhà homestay cộng đồng porter Giàng Thị Viên, đơn giản, ấm cúng mà rẻ nữa

Bạn đừng lo là mình không hợp khẩu vị. Ẩm thực của người Thái và người Mông rất khác nhau. Người Mông nấu đơn giản, món ăn chủ yếu là đồ nướng và cách chế biến đơn giản. Gia vị của họ cũng không có nhiều mùi vị đa dạng nên cũng không gây mùi vị khó chịu. Món ăn của người Thái thì cầu kỳ hơn, phong phú hơn. Nếu đi vào tháng 3 còn có thể thử món nộm hoa ban của người Thái nữa, ăn lạ miệng và ngon.

Món ăn của người Thái thì cầu kỳ hơn, phong phú hơn.
Nếu đi vào tháng 3 còn có thể thử món nộm hoa ban của người Thái nữa, ăn lạ miệng và ngon.

6. Lịch trình chi tiết 3n3d khám phá Nậm Nghiệp:

Ngày 1: HCM-Hà Nội-Ngã Ba Kim (Yên Bái)

– 6h30 tối bay từ HCM đến Hà Nội. Máy bay đáp xuống Nội Bài 8h30, di chuyển về nội thành gần địa điểm hẹn với xe Cường Lan, ăn tối và chờ xe đón tại trường Đại Học Thương Mại (Hà Nội). Xe đón tầm 12h đêm và đến Ngã Ba Kim là 6h30 sáng ngày hôm sau.

Ngày 2: Ngã Ba Kim (Yên Bái) – Bản Lướt (Ngọc Chiến) – Nậm Nghiệp – leo núi Tà Tao:

Xe Cường Lan trả khách trước cửa hàng xe máy Hùng Nga, ngay Ngã Ba Kim (Yên Bái) lúc 6h30 và mình có đặt xe taxi đi từ đấy lên thẳng bản Lướt, homestay Pơ Mu. Thời gian di chuyển cho 30km tầm 40 phút.

Check in homestay lúc 8h. Thường thời gian nhận phòng là 12h trưa tuy nhiên homestay họ sẵn sàng cho bạn để nhờ hành lý, có thể vệ sinh cá nhân tại homestay luôn. Lịch trình team chia làm 2 vì có 2 bạn sức khỏe chưa đủ để tham gia cung leo núi, nên các bạn sẽ ở lại homestay dưới bản Lướt này, thuê xe máy và khám phá bản Lướt, Ngọc Chiến. Riêng mình chọn cung leo núi Tà Tao trong ngày nên di chuyển lên Nậm Nghiệp bằng xe ôm địa phương.

Đoạn đường 10km từ bản Lướt lên bản Nậm Nghiệp rất ra, cao, dốc, rất nhiều cua tay áo cực gắt, tuy nhiên nay đã được đổ bê tông (vừa hoàn thành xong vào giữa tháng 3/2025 kịp phục vụ khách du lịch) nên cũng nhẹ nhàng hơn. Cảnh 2 bên đường rất đẹp với ngập tràn hoa ban, hoa gạo, sơn tra và hoa dại.

Kame book tour leo núi trong ngày qua Anh Cường Nguyễn – chủ hợp tác xã bản Nậm Nghiệp- và được em porter người Hmong bản địa Giàng Thị Viên vừa tròn 19 tuổi, cực kỳ dễ thương, nhiệt tình, dù chưa lưu loát tiếng Kinh nhưng vẫn rất cố gắng học hỏi.

Cô gái porter trẻ người Hmong Giàng Thị Viên (ở giữa) đang góp phần xây dựng phát triển du lịch địa phương, bản Nậm Nghiệp, Mường La, Sơn La, Việt Nam.

Thuộc địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La với độ cao 2.720 m so với mực nước biển, đỉnh Tà Tao nằm trong top đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn đang thu hút nhiều người đam mê leo núi đến chinh phục và trải nghiệm. Và ngọn núi này không quá khó với những người mới bắt đầu, khám phá thiên nhiên do địa hình đẹp, cung leo núi ngắn với độ khó vừa phải.

Núi Tà Tao, theo tiếng dân tộc Mông còn có nghĩa là núi Gà Lôi. Theo người dân nơi đây, xưa kia khu vực này là nơi trú ngụ của giống gà lôi linh thiêng. Trong lời kể lại của những Già làng về truyền thuyết gà lôi đã gắp những tảng đá thả xuống mặt đất, tạo thành dãy núi Tà Dông, Tà Tao che chở bà con dân bản qua cơn đại hồng thủy

Cung đường leo đỉnh Tà Tao dài 6 km bắt đầu từ trung tâm bản Nậm Nghiệp. Chặng đầu dài khoảng 3 km đường dốc, quanh co, nhiều đoạn đá, khe suối đoàn di chuyển bằng xe máy rất khó đi. Còn lại là phương tiện tự thân tính từ mốc tập kết đỗ xe.

Con đường mòn cheo leo, dốc đá, cùng với thời tiết thay đổi thất thường, nhanh chóng thử thách sức bền và ý chí của bản thân. Trên hành trình, mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường nhật bình dị của bà con địa phương, ghi lại những khoảnh khắc và đắm mình vào không gian yên bình, trong trẻo của núi rừng. Không có sóng điện thoại (thi thoảng), chỉ có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu, côn trùng rả rích, hơi thở của núi rừng, mùi của rêu, của hương hoa dại hòa lẫn vào nhau.

Ẩn sâu trong rừng là những cây đại thụ với hình dáng kỳ vĩ, độc lạ, khoác lên mình lớp rêu phong dày dặn, minh chứng cho sự trường tồn của thời gian. Tiến sâu vào rừng già, thảm thực vật thay đổi, hành trình trở nên gian nan hơn với con đường mòn ngày càng nhỏ hẹp và dốc đứng. Bước chân nặng nhọc như không còn là của mình, thở dốc. Bầu trời xanh dần khép lại, nhường chỗ cho tán rừng nguyên sinh rậm rạp

Trên suốt chặng đường, porter Viên vừa dẫn đường tận tâm, nhiệt tình “hỗ trợ, giúp đỡ Kame vượt qua những khó khăn, nhẫn nại “chờ” Kame lăn qua lộn lại bò lên những con dốc.

Leo được nửa đường còn gặp chồng của em Viên biểu diễn sáo trúc, món nghề đã cưa đổ em gái porter năm mười 17 tuổi về làm vợ chàng Hmong tài hoa. Tiếng sáo, tiếng khèn lá du dương vang vọng giữa núi rừng, như tiếp thêm sức mạnh cho những ai đang chinh phục đỉnh Tà Tao. 

Chiều buông trên lán dê lưng chừng núi Tà Tao

Đôi chân không nghe lời nên mãi đến hơn 6 giờ tối mình mới về được đến bản Nậm Nghiệp, di chuyển xe máy đường đèo 10km về bản Lướt tầm gần 1 tiếng vì đường rất tối, dốc và nguy hiểm nên đi chậm hơn lúc buổi sáng. Chia tay em Viên porter, ngâm mình trong bồn nước suối khoáng nóng tại homestay để trút bỏ những mệt mõi rả rời sau 1 ngày chinh phục Tà Tao.

Ngày 3: Bản Lướt (Ngọc Chiến) – Bản Nậm Nghiệp

Sau khi ăn sáng và check out phòng tại Pơ Mu Homestay Ngọc Chiến thì xe đón team mình lên bản Nậm Nghiệp, hành lý nhiều nên đi taxi cho an toàn. Dù vậy xe cũng vất vả rà số vì cung đường dốc cao, cua gắt và nhiều đoạn hẹp 2 xe ô tô khó qua.

Check in ở homestay Sơn Tra Forest bản Nậm Nghiệp là 12h nhưng mình gửi lại hành lý và đi chơi quanh bản. Vì đã đặt trước với em Viên porter nên xe ôm đón bọn mình ngay tại homestay và đi khám phá các nơi như cây táo cô dơn, rừng táo ở Tà Dê…

Cây táo cô đơn bản nậm Nghiệp

Bạn có thể book rất nhiều tour bản địa của HTX Nậm Nghiệp. Có khoảng 20 dịch vụ để bạn chọn, từ leo núi, đi bộ, vẽ sáp ong đến săn mây, hái hoa.v.v… Lựa chọn nhẹ nhàng nhất là đi bộ dưới tán cây Sơn Tra trắng muốt men theo suối. Những con đường mòn ven sườn đồi táo mèo như đưa bạn lạc vào miền cổ tích, như thể đột nhiên biến mất khỏi thế gian từ lúc nào. Chỉ còn tiếng chim kêu, tiếng suối chảy và những tia nắng nhảy nhót trên những triền đồi.

Lạc lối giữa rừng hoa sơn tra Nậm Nghiệp

13h về nhà em Viên ăn trưa cùng gia đình em, trải nghiệm các món ăn địa phương, đơn giản, bình dị.

14h về homestay nghỉ ngơi.

16h đội xe ôm lại đến homestay đón nhóm mình lên quán cafe của Anh Cường ngắm hoàng hôn – cafe The Lover Hill. Với 1 đứa nghiện cafe như mình thì được uống cafe tại quán là điều xa xỉ và duy nhất có 1 lần thôi, vì đa phần người dân ở đây không uống cafe, sữa đặc cũng là 1 món gì đó rất đắt đỏ, có tiền cũng mua không được. Như đã nói thì bản Nậm Nghiệp chỉ mới được phát triển du lịch một hai năm trở lại đây, người dân đa phần sống tách biệt nên gần như tự cung tự cấp. Mong bạn sẽ mang một tâm thái đón nhận mọi thứ và không đòi hỏi phải tiện nghi khi đến đây để Nậm Nghiệp mãi giữ được nét đơn sơ, bình dị vốn có của nó.

Đường giao thông quanh bản vẫn là đường đất nhiều bụi nhưng nó khắc họa đúng với sự dung dị vốn có.
Phía sau Kame là nguyên rừng hoa sơn tra đang dần nở trắng phủ kín đồi
Hoàng hôn bản Nậm Nghiệp từ quán cafe The Lover Hill của Anh Nguyễn Cường

Ngắm hoàng hôn ở quán cafe Anh Cường, thưởng thức trà sơn tra đặc sản, tìm hiểu thêm về các sản phẩm làm từ táo mèo như rượu táo mèo, giấm táo mèo, tương táo mèo… Đùa vui cùng bọn trẻ con bản địa, xa xa, ông mặt trời dần đi ngủ rồi.

Ăn tối tại homestay với món lẩu gà đen đặc sản giữa cái lạnh đặc trưng của vùng núi cao sẽ là trải nghiệm mà bạn không thể nào quên được.

Chơi gì ở Nậm Nghiệp ?

♥️ Check in rừng hoa Sơn Tra ở quán cafe The Lover Hill.

♥️ Check in rừng hoa Đỗ Quyên trên đỉnh Tà Tao.

♥️ Check in cây táo cô đơn ở thủy điện Ngọc Chiến.

♥️ Săn hoàng hôn: cafe The Lover; đồi Yên Ngựa; A Lệnh homestay; A Vạng homestay.

♥️ Săn bình minh trên núi Tà Tao.

♥️ Check in quán cafe cao nhất Việt Nam.

♥️ Check in suối Tình Yêu bản Nậm Nghiệp

Ngày 4: – Bản Nậm Nghiệp – Hà Nội – HCM

Ăn sáng với tô mì trứng nóng hổi tại homestay, đi bộ xuống trung tâm bản check in cột đá Bản Nậm Nghiệp, dạo 1 vòng bản khám phá nếp sống người dân Hmong tại bản Nậm Nghiệp

Ngày hội hoa sơn tra năm nay được tổ chức tại sân vận động bản Nậm Nghiệp và các hoạt động của ngày hội diễn ra đến hết ngày 16/3. Tuy nhiên mình đến bản thì vẫn còn các bản hiệu băng rôn chào đón du khách về với bản Nậm Nghiệp

Ngày hội hoa sơn tra năm nay được tổ chức tại sân vận động bản Nậm Nghiệp 

Check in cột đá Bản Nậm Nghiệp, dạo 1 vòng bản khám phá nếp sống người dân Hmong tại bản Nậm Nghiệp

Khắp nơi là tiếng nô đùa của bọn trẻ con trong bản, các bà, các cô gái người Hmong với trang phục sặc sỡ và nói ngôn ngữ mà Kame không hiểu nhưng lại cảm nhận sự bình yên dung dị khi đặt chân đến mảnh đất xa xôi này.

Vì còn chấp niệm với quán cafe chỗ Anh Cường nên bọn mình lại thuê xe ôm lên đấy. Ai dè lại khám phá ra nguyên một rừng sơn tra trắng tinh phía sau quán cafe, nơi mà các Anh em hay camping dựng lều. Cảnh đẹp cứ như lạc vào miền cổ tích làm cho cả bọn cứ loay hoay chụp ảnh miết mà quên giờ về.

12h ăn 1 bữa cơm trưa thân mật tại homestay và check out phòng.

Để chủ động giờ về kịp chuyến bay bọn mình thuê ô tô riêng từ bản Nậm Nghiệp về thẳng sân bay, giá hơi cao 1 chút nhưng bù lại thoải mái và có thể dừng lại bất kỳ đâu đẹp để chụp ảnh, ghé bất kỳ chợ địa phương nào để khám phá và không bị xe giường nằm nhồi nhét.

Khép lại hành trình với hương hoa dại vấn vương và sơn tra trắng tinh trong tâm trí. Hứa hẹn sẽ quay lại Nậm Nghiệp vào một ngày không xa để khám phá tiếp những điều còn đang dang dở.

Lưu ý: như thường lệ sau mỗi chuyến đi là hãy giữ vệ sinh cho nơi bạn đến, đừng mang gì về ngoài những kỷ niệm và những bức ảnh đẹp.

#namnghiep #namnghiep #tà_tao #nậm_nghiệp #muahoasontra #sontranamnghiep #reviewnamnghiep