Hành trình chinh phục núi Tà Tao- ngọn núi thiêng của người Hmông Nậm Nghiệp

Vòng quay cuộc sống phố thị ồn ào náo nhiệt với công việc, cơm áo gạo tiền, những lo lắng suy tư có đôi khi làm chúng ta mệt mỏi, chán chường, khiến bạn không còn là chính mình. Tìm đến thiên nhiên nhưng một liều thuốc chữa lành và bộ môn leo núi trekking luôn là lựa chọn mới mẻ nhưng đầy kích thích. Bạn được hòa mình vào thiên nhiên, được sống đúng với con người của bản thân. Mỗi một ngọn núi là một thế giới, mỗi một hành trình là bước vào một thế mới mẻ tinh khôi và bí ẩn.

Nậm Nghiệp – vùng đất hoang sơ và hùng vĩ của Mường La, Sơn La, không chỉ nổi tiếng với hoa sơn tra, với văn hóa đậm chất truyền thống của người Hmong mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích leo núi và khám phá thiên nhiên. Tà Chì Nhù và Tà Tao, hai đỉnh núi nổi bật của vùng này, đang trở thành những điểm trekking thu hút du khách, đặc biệt vào mùa leo núi từ cuối tháng 9 đến tháng 4 năm sau.

Leo núi Tà Tao ở Nậm Nghiệp mới được khai thác vào năm 2024 và thích hợp cho người mới bắt đầu yêu thích bộ môn này. Chinh phục núi Tà Tao chính là hành trình mà không chỉ đôi chân ta được hoà quyện với thiên nhiên, mà còn là nơi tâm hồn ta được chạm đến những điều thiêng liêng sâu thẳm.

  1. Núi Tà Tao ở đâu?

Thuộc địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La với độ cao 2.720 m so với mực nước biển, đỉnh Tà Tao nằm trong top đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn.

Núi Tà Tao, theo tiếng dân tộc Mông còn có nghĩa là núi Gà Lôi. Theo người dân nơi đây, xưa kia khu vực này là nơi trú ngụ của giống gà lôi linh thiêng. Trong lời kể lại của những già làng về truyền thuyết gà lôi đã gắp những tảng đá thả xuống mặt đất, tạo thành dãy núi Tà Dông, Tà Tao che chở bà con dân bản qua cơn đại hồng thủy.

Tà Tao là đỉnh núi mới được đưa vào khai thác du lịch năm 2024 và nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích leo núi, khám phá thiên nhiên do địa hình đẹp, cung leo núi ngắn với độ khó vừa phải, thích hợp cho mọi độ tuổi cũng như người mới bắt đầu tham gia bộ môn “tiêu hao thể lực nhưng lấp đầy tâm hồn” này.

2. Nên leo núi Tà Tao vào thời điểm nào?

Cũng như những ngọn núi ở phía Bắc Việt Nam, mùa leo núi là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Chinh Phục Tà Tao cũng gần như theo các mùa hoa và săn mây khắp núi đồi

Mùa hoa sơn tra

Tháng 9-10: Mùa hoa Chi Pâu tím phủ khắp núi rừng mộng mơ

Tháng 11-1: Mùa săn mây bồng bềnh

Tháng 2-3: Mùa hoa sơn tra bản Nậm Nghiệp, nơi tập kết chính để chinh phục núi Tà Tao

Tháng 4: Mùa hoa đổ quyên cổ thụ phủ khắp núi đồi

3. Di chuyển đến núi Tà Tao bằng cách nào?

– Xe máy: là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất nếu bạn là dân phượt hay đầy kinh nghiệm đi đèo, dốc địa hình và có sức khỏe tốt thì có thể đi xe máy từ Hà Nội lên Nậm Nghiệp bằng 2 cung:

+Thứ nhất, theo đường Mộc Châu đến thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) rồi đi về huyện Mường La, sau đó đi tiếp theo đường về xã Ngọc Chiến. Sau đó đi thêm 10km đến Nậm Nghiệp, đoạn này chỉ 10km nhưng khá dốc và cua tay áo.

+Thứ hai, theo đường Nghĩa Lộ, đi Tú Lệ (Yên Bái), đến ngã ba Kim thì rẽ trái vào Ngọc Chiến rồi chạy về bản Nậm Nghiệp

– Ô Tô: Thuê ô tô riêng cũng là một phương tiện tốt để bạn có thể giữ sức chinh phục những điểm khó nhằn và cũng rất thuận tiện nếu như bạn muốn dừng bất kỳ nơi đâu trên đường nếu có cảnh đẹp. Tuy nhiên đi ô tô thì ai không quen đường đèo cao, dốc sẽ nguy hiểm và dễ bị say xe.

– Xe khách: gồm có xe giường nằm và Limousine. Có thể đi theo 2 hướng theo như xe máy đề cập bên trên. Mình đi cung Yên Bái nên sẽ chia sẻ với mọi người theo cung này. Mua vé xe giường nằm Cường Lan (hoặc các hãng khác từ Hà Nội đi Ngã Ba Kim (Mù Cang Chải, Yên Bái). Xuống ngay ngã ba Kim sẽ có chỗ thuê xe máy HÙng Nga, nếu bạn muốn tự lái thì thuê xe máy ở đây, nếu muốn giữ thể lực thì thuê taxi tại đây lên bản Nậm Nghiệp, giá được niêm yết rõ ràng trên page “Nậm Nghiệp-Bản cao nhất Việt Nam” nên không sợ chặt chém.

Tuy nhiên, dịch vụ của các xe đi tuyến Mù Căng Chải rất kém, một số nhà xe giường nằm Như Cường Lan, Thế Anh,… chở khách từ Hà Nội đi Yên Bái, Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, tuy nhiên do lượng du khách đông nên thường quá tải, xe không được vệ sinh lắm và nhồi nhét (mình là nạn nhân nằm giữa 2 lối đi dù đã đặt vé xe trước nửa tháng). Còn Limousine thì giá cả cao hơn, nhưng cũng nhiều nhà xe mọc lên ăn theo mùa và dịch vụ không mấy tốt, dễ bị phốt.

– Tour xe Bus tình yêu của hợp tác xã Nậm Nghiệp: bạn chỉ việc chuẩn bị tiền, thể lực và một trái tim sẵn sàng chinh phục, còn lại mọi thứ để bên tour lo. Xe đón tại Hà Nội và đưa khách đến Nậm Nghiệp, hành trình có thể là 2n1d hoặc 3n2d tùy lựa chọn. Bên này là tour kết nối và phát triển du lịch của dân địa phương Nậm Nghiệp nên an tâm không bị chặt chém.

Ảnh: sưu tầm

4. Lưu trú ở đâu?

Tùy theo lịch trình leo núi mà lựa chọn nơi lưu trú phù hợp.

  • Nếu hành trình 2n1d leo núi thì sẽ ngủ lại lán trên đỉnh Tà Tao, nếu theo phương án này thì chi phí bao gồm trong tour, bạn sẽ được trải nghiệm ngủ nghỉ giữa thiên nhiên, nghe tiếng côn trùng rả rích và hơi thở của núi rừng, chỉ là thời tiết về đêm trên núi khá lạnh, cần chuẩn bị đủ ấm.
  • Nếu bạn chọn cung leo núi trong ngày kết hợp ngủ lại ở bản Nậm Nghiệp/bản Lướt để khám phá cuộc sống người dân địa phương thì chọn homestay phù hợp, nếu đi theo Kame thì đề xuất mọi người nên trải nghiệm ở cả Bản Lướt và bản Nậm Nghiệp. Hiện nay bà con địa phương được vận động làm homestay bài bản hơn, dù vẫn còn nhiều điểm không thể so sánh với các nơi nổi tiếng du lịch khác nhưng Kame lại thấy khá thích.
Homestay Sơn Tra Forest Nậm Nghiệp

Ở cả bản Lướt (Ngọc Chiến) là khu cư ngụ của người dân Thái nên đa phần là nhà sàn vách gỗ, nhà cộng đồng nên sẽ hơi ồn ào náo nhiệt hơn, bù lại có suối khoáng nóng khá thích. Bản Nậm Nghiệp thì các homestay cũng đa dạng có cả cộng động lẫn bungalow và camping giữa rừng hoa sơn tra. Giá bên dưới chỉ là giá tham khảo, thực tế có thể chênh lệch đôi chút.

♥️Một số homestay ở bản Lướt, Đông Xuông, Nà Tâu, Nậm Nghiệp. Liên hệ hotline HTX Nậm Nghẹp 0904898688.

  • Homestay Hương Rừng bản Đông Xuông.
  • Ngoc Chien Pearl Homestay bản Nà Tâu.
  • Hoàn Hậu Homestay bản Lướt.
  • Mạnh Phương Homestay bản Lướt.
  • A Lệnh homestay bản Nậm Nghẹp.
  • A Vạng homestay bản Nậm Nghẹp.
  • A Gạng Homestay Nậm Nghẹp.
  • Sơn Tra Forest Nậm Nghiệp.

Bạn lưu ý, hầu như cuối tuần các chỗ nghỉ ở đây đều hết phòng vào mùa hoa sơn tra (tháng 3) nên phải đặt phòng sớm hoặc nên đi các ngày trong tuần để chắc chắn có chỗ ngủ.
– Nếu bạn có lều thì cũng khá ổn. Ngủ lều dưới rừng táo ở Nậm Nghiệp rất thú vị, nhưng lưu ý rất lạnh, nên mang túi ngủ theo nhé.

5. Hành trình chinh phục Tà Tao trong ngày:

Dưới đây là chia sẻ hành trình chinh phục ngọn núi Tà Tao tự túc trong ngày xuất phát từ bản Nậm Nghiệp của Kame

8h sáng porter Giàng Thị Viên, cô gái Hmong 19 tuổi trẻ trung nhiệt tình, vui tính, giàu kinh nghiệm, am hiểu địa hình đón Kame tại homestay và chở đến điểm tập kết (nơi đỗ xe máy)

Porter Giàng Thị Viên, cô gái Hmong 19 tuổi trẻ trung nhiệt tình, vui tính, giàu kinh nghiệm, am hiểu địa hình luôn “chờ” Kame chốt đoàn

Cung đường leo đỉnh Tà Tao dài 6 km bắt đầu từ trung tâm bản Nậm Nghiệp. Đoạn đường đến nơi tập kết dài khoảng 3km đường nhỏ hẹp chỉ vừa bánh xe máy, dốc, quanh co, nhiều đoạn đá, khe suối, đất đá sỏi làm xe luôn xốc lên xuống, bù lại là bạn sẽ được len lỏi vào khu rừng phủ trắng hoa sơn tra, như lạc vào miền cổ tích.

Khu rừng phủ trắng hoa sơn tra, như lạc vào miền cổ tích.

Đến điểm dừng xe máy, Kame được em Viên porter chuẩn bị cho “đôi chân thứ 3” (cây gậy chắc tay) để bắt đầu chinh phục ngọn núi 2720m Tà Tao.

Khởi đầu hành trình là cảnh đẹp choáng ngợp của hoa dại và bốn bề núi rừng trùng điệp
Con đường mòn cheo leo, dốc đá, cùng với thời tiết nắng nóng bất chợt, nhanh chóng thử thách sức bền của Kame

Con đường mòn cheo leo, dốc đá, cùng với thời tiết nắng nóng bất chợt, nhanh chóng thử thách sức bền của Kame. Trên hành trình, Kame vừa choáng ngợp bởi những lán nhỏ đơn sơ hấp thoáng của người chăn gia súc trú ngụ và vừa thở dốc.

Nhấm nháp cốc cà phê mua từ quán Anh Cường (The lover hill), vừa đưa mắt ngắm nhìn núi đồi bao la trùng diệp, đâu đó là tiếng chuông leng keng của mấy chú dê núi đang kiếm ăn trên rẻo đồi cao, hít căng phồng không khí tươi mát của núi rừng hoang dại để tiếp tục hành trình tiến sâu vào rừng già.

Càng tiến sâu vào rừng hành trình trở nên gian nan hơn với con đường mòn ngày càng nhỏ hẹp và dốc đứng. Cảnh quan thay đổi dần, bước chân nặng nhọc hơn. Bầu trời xanh dần khép lại, nhường chỗ cho tán rừng nguyên sinh rậm rạp với những cây cổ thụ cao vút, đan xen tầng tầng lớp lớp xanh mát. Lúc này hết nắng rồi nhưng vẫn thở dốc triền miên vì những con dốc chưa bao giờ dứt.

Tiếp theo, bạn sẽ đến dòng suối Tà Tao ngày đêm róc rách. Đây là một trong những con suối chính của bản. Tuy nhiên lúc này suối không nhiều nước lắm nên trông rất hiền hòa và nhẹ nhàng chảy róc rách .

Qua suối Tà Tao, sẽ đến với một thảm thực vật đầy lạ lẫm, gồm cánh rừng pằng la nghe bảo ra hoa đỏ rực vào tháng Hai, lúc này là tháng 3 nên không còn nở nhiều lắm nhưng lác đác dưới chân vẫn là những sắc đỏ hoa rụng, nghe bảo ở đây nếu may mắn sẽ thấy những đàn sóc bay thoăn thoắt trên những cành cây cao vào mùa trái “bàng rừng” hay mùa đào rừng chín rộ. Chỗ này cũng là nơi Kame ngồi nghỉ chân và xin chút pin điện thoại từ một anh khách từ đoàn Sơn La đang xuống núi.

Hệ thực vật ngày một đa dạng hơn, những lớp rêu phong dày đặc bám trên thân cây, những tán lá phong vàng đỏ đan xen, hoa Chi pau nở lấp ló tím hồng nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của rừng già. Rừng lá phong và rừng chè móng đỏ thường phân bổ ở độ cao 2.500 đến 2.600 mét.

Hoa Chi Pau

Mùa lá phong rơi vào những tháng cuối năm. Khi đất trời chuyển sang thu đông, cây lá phong bước vào mùa trút lá. Những cánh lá hình cánh sao bắt đầu chuyển màu từ vàng tươi đến màu đỏ rực. 

Càng lên cao càng bắt gặp nhiều cây đổ quyên cổ thụ, có cây đã lấp ló ra hoa, phơn phớt hồng rơi dưới chân Kame, hay những đóa vàng mỏng manh rung trong gió, thi thoảng có những cây chè cổ thụ tự nhiên xanh rì, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Hoa đổ quyên mong manh rung rung trong gió

Càng lên cao, càng đi sâu vào rừng là những cây đại thụ với hình dáng kỳ lạ được khoác lên mình lớp áo rêu phong nhiều năm tuổi. Những ghềnh đá dựng đứng, sừng sững, hòa cùng tiếng réo rắt của dòng suối trắng len lỏi quanh núi đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên choáng ngợp.

Càng lên cao, càng đi sâu vào rừng là những cây đại thụ với hình dáng kỳ lạ được khoác lên mình lớp áo rêu phong nhiều năm tuổi

Dừng chân nghỉ ngơi một đoạn lại được nghe tiếng thổi sáo của chồng em porter Viên, cũng là 1 chàng trai bản porter đang dẫn đoàn khác. Nghe bảo đây là tiếng sáo hay nhất bản, chinh phục được cô gái nhỏ năm 17 tuổi về làm vợ. Tiếng sáo du dương réo rắt giữa núi rừng như tiếp thêm sức mạnh cho những ai đang thở dốc trên hành trình chinh phục đỉnh Tà Tao. 

Câu nói nghe nhiều nhất của Kame là “cố lên Chị ơi, sắp tới rồi” của em Viên. Và phải nghe suốt 4 tiếng đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, vừa thở vừa chụp ảnh, vượt qua nhiều địa hình, thử thách chúng tôi mới đến lán nghỉ để ăn trưa. Khu vực lán nằm nép mình khiêm tốn dưới cánh rừng đỗ quyên đại ngàn

Bữa trưa đó có lẽ là bữa trưa “cao lương mỹ vị” cũng chào thua của Kame từ trước đến nay, chỉ mỗi gà luộc, lợn nướng, cơm nắm, dưa leo và gia vị đặc trưng em Viên tự chuẩn bị, nó hạnh phúc và thơm lừng tận tim.

Bữa trưa “cao lương mỹ vị” được em porter Viên tự tay chuẩn bị

Trời mỗi lúc một rét hơn, dù đã chuẩn bị đủ ấm vẫn khiến tay chân lạnh cóng, xa xa bên lán là mấy anh người Hmong đang gom đốt rác, Kame vội chạy qua quây quây tìm chút ấm áp. Vì là cung leo núi mới nên mọi người rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ rừng và vệ sinh. Tuy nhiên khách du lịch leo núi từ rất nhiều nơi đến và không phải ai cũng đủ ý thức giữ vệ sinh nên gần như dọc đường đi các bạn porter luôn là người nhặt rác để tập kết tại lán và thiêu hủy chúng, bảo vệ rừng già.

Sau khi “cơm no rượu say”, nạp đủ năng lượng chúng mình tiếp tục leo lên đỉnh Tà Tao. Càng lên cao càng gió mạnh hơn. Và rồi cung đường cheo leo, mệt mỏi có đôi lúc đôi chân dường như không còn là của bản thân nữa cũng được đền đáp xứng đáng.

Đứng trên đỉnh núi, bao la rộng lớn của núi rừng trùng trùng diệp điệp, lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió, cảm giá tự hào không nói nên lời.

So với Tà Chì Nhù, Tà Tao dù dễ chinh phục hơn nhưng vẫn đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ. Mỗi bước chân trên hành trình này không chỉ đưa bạn đến gần đỉnh núi hơn, mà còn giúp bạn vượt qua giới hạn của chính mình.

Mỗi bước chân vượt qua những con dốc, bản thân thấy cảm thấy tự hào vì đã chinh phục được không chỉ ngọn núi mà còn cả những khó khăn của chính mình.

Hành trình xuống núi dễ chịu hơn khi leo vì không còn thở dốc nhiều nhưng đôi chân phải chống đỡ cả cơ thể bề thế của Kame nên dần như kiệt sức, rã rời, tuy nhiên trời dần tối nhanh, phải cố gắng kịp đến chân núi trước khi trời tối. Khi xuống tới lán dê là vừa bắt kịp những ráng chiều còn sót lại của một hoàng hôn màu tím.

Nếu bạn chọn ở lại lán ngủ 1 đêm thì sáng hôm sau có thể sẽ bắt gặp được biển mây bồng bềnh như thể đang trên thiên giới. và bạn sẽ có thêm trải nghiệm không thể nào quên.

Kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Tà Tao Kame đã học được thêm vài câu nói tiếng Hmong từ em porter Viên, người đã rất kiên nhẫn dạy và chờ Kame suốt hành trình gần 8 giờ chinh phục ngọn núi thiêng.

Những người đam mê trekking thường là những người mang trong mình tinh thần phiêu lưa, ưa khám phá, thích những vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, kỳ vĩ; quý trọng thiên nhiên và muốn tận hưởng những giây phút tĩnh nhất và cả điên rồ nhất.

Và lên đỉnh là niềm vui chiến thắng, tận hưởng hương vị của trái ngọt mình tự làm ra, cảm xúc thăng hoa của người chinh phục.

Lưu ý: như thường lệ sau mỗi chuyến đi là hãy giữ vệ sinh cho nơi bạn đến, đừng mang gì về ngoài những kỷ niệm và những bức ảnh đẹp.

#namnghiep #namnghiep #tà_tao #nậm_nghiệp #muahoasontra #sontranamnghiep #reviewnamnghiep #trekking #tataonamnghiep