Kinh nghiệm khám phá Cao Bằng tự túc
Sáng ra bờ suối (Lê Nin) – Tối vào hang (Pác Pó) rồi sớm mai leo núi ⛰️ Ngọc Côn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngỡ ngàng của “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc mùa lúa chín, hay xuôi thuyền bên dòng thác Bản Giốc nổi tiếng là kỳ quan thế giới, hay dành trọn một đêm cắm trại (camping) 🏕 ở núi Núi Mắt thần để được hòa tan mình giữa bốn bề của “bình nguyên vô tận” là trải nghiệm không thể nào quên ở Cao Bằng
1. CAO BẰNG Ở ĐÂU?
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc nước ta, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 333km; phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích lịch sử Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Cao Bằng cũng được biết đến với hình ảnh Thác Bản Giốc hùng vỹ hòa quyện giữa cảnh quan núi rừng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Những năm gần đây còn nổi tiếng với đỉnh Phja Oắc-Phja Đén đầy băng giá vào đông, hay rừng trúc Nguyên Bình mênh mông xinh đẹp không hề kém bất cứ rừng trúc Nhật Bản nào.
Một sớm mai leo núi ⛰️ Ngọc Côn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngỡ ngàng của “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc mùa lúa chín là cả một trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Hay dành 1 đêm camping 🏕 ở núi Thủng (Núi Mắt thần) để được trải nghiệm ngủ lều, xung quanh mấy em 4 chân dạo đêm canh gác, sáng húp ly mì và chill cố cà phê hòa tan giữa 4 bề “bình nguyên vô tận” thì còn gì bằng.
2. NÊN ĐI CAO BẰNG VÀO THỜI GIAN NÀO?
– Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
– Tháng 8 – 9: Thời gian lý tưởng để đi săn ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cao Bằng mùa lúa chín
– Tháng 11 -12: hoa tam giác mạch và hoa dã qùy phủ kín núi rừng tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
-Vào cuối xuân đầu hạ, thời tiết không quá lạnh cũng chưa nắng nóng. Du lịch Cao Bằng thời điểm này bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những rừng mơ, rừng mận sai trĩu cành.
-Bạn cũng có thể đi “săn băng tuyết” Cao Bằng vào mùa đông ở vườn quốc gia Phja Oắc-Phja Đén.
3. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN?
-✈️ Máy bay: Từ HCM hay mọi miền đất nước cũng nên bay về Hà Nội để thuận tiện bắt xe lên Cao Bằng, trừ mấy tỉnh anh em lân cận Cao Bằng thì khỏi bay ^^.
-🛵 Xe máy: đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Cao Bằng rồi thuê xe máy rong ruổi khắp đất trời biên viễn – 🚗 Ô Tô: ai có bằng lái thì thuê xe chạy bon bon, đường đèo cũng dễ đi hơn ở Tây Bắc. Đi ô tô thì tiết kiệm được thời gian và sức khỏe nhưng không phê như xe máy.
4. LƯU TRÚ Ở ĐÂU?
– Tp. Cao Bằng: rất phát triển nên khách sạn hay homestay rất nhiều, tha hồ lên agoda book.
– Riêng ở Pác Pó mình đề xuất mọi người nên ở #Mế Farmstay, nơi này vừa đẹp, vừa rộng, dịch vụ tốt, chỉ ở homestay trải nghiệm thôi là đã đủ trải nghiệm vừa nghỉ dưỡng, vừa làm farm, khám phá văn hóa dân tộc của bà con nơi đây
– Ở khu vực Trùng Khánh gần Thác Bản Giốc: khu này thì du lịch quốc tế luôn rồi nên rất nhiều homestay: nếu được thì thuê trong làng đá Khuổi Kỵ, hoặc ở Mảy Linh Homestay, Yến Nhi Homestay. Giá cả và dịch vụ đều ok, sạch sẽ, nhà đá cổ rất đặc trưng.
Review lịch trình: 5N4Đ🧚🧚🧚
*👍 Ngày 1: HCM-Hanoi-Tp. Cao Bằng
– Bay đêm chuyến 6h từ Sài Gòn ra Nội Bài + delay chút chút là gần 10h đêm đáp xuống. Mọi người đi VNA thì sẽ có bữa ăn trên máy bay luôn, nếu không thì phải tự chuẩn bị bữa tối trước khi lên máy bay nhé. Đặt vé xe giường nằm của nhà xe 42- họ đi chuyến đêm trễ nhất từ Nội Bài-tp. Cao Bằng.
Vì xe không vào sân bay được nên mọi người phải đi taxi ra ngã 4 cao tốc hướng đi Lạng Sơn (giá taxi 200k dù có 5km). Mình đặt tour camping của Mảy Linh Travel nên họ đặt xe đi về cho mình luôn. Mọi người nếu không có kinh nghiệm có thể tham khảo đặt qua đây.
– Lên xe ngủ một giấc là sáng sớm đến Tp. Cao Bằng rồi.
**✌️ Ngày 2: tp. Cao Bằng-Phja Oắc-Rừng trúc Nguyên Bình-Đèo Khau Cốc Trà
– 5h sáng: Xe đến tận thành phố Cao Bằng (nhớ là xe này có dừng nhiều chỗ bên ngoài thành phố Cao Bằng nên phải nhắc nhà xe là bạn xuống trung tâm thành phố luôn), xuống bến xe và di chuyển tầm 5 phút🚶♂️🚶♀️về chỗ thuê xe máy Thảo Nguyên trên đường 3/10_ở đây có mấy giường dorm cho khách đến sớm có thể ngủ nghỉ lại, vệ sinh cá nhân luôn (30k/dorm).
– 7h: đã đặt xe máy trước rồi nên cứ xách xe mà đi thôi, được bạn Huy cho thuê xe chỉ cho chỗ ăn sáng là bánh cuốn Cô Tâm ở 91 Kim Đồng, Phường Hợp Giang, Tp. Cao Bằng (kế bên khách sạn Sunny). Món này phải thử nhé mọi người, ăn nó khác bánh cuốn Sài Gòn lắm.😋
Người dân Cao Bằng coi bánh cuốn ăn cùng nước canh xương là đặc sản “hiếm có khó tìm”. Thay vì nước chấm pha mắm, bánh cuốn Cao Bằng ăn với nước xương ninh thơm thơm vị ớt cùng măng ngâm mắc mật nên còn gọi là “bánh cuốn canh”, để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi. Cùng miếng bánh dẻo, dai và thơm nguyên mùi hạt gạo
– Đã ăn no thì phải kiếm chỗ “say”, chạy lên tí ghé quán cafe Tuyên -120 phố Thầu, mua cốc Nâu đá☕️ rùi chill view sông. Phê pha liền.
– Đổ xăng đầy bình và lên xe. Điểm đến đầu tiên là đỉnh Phja Oắc⛰️, cụ thể là Trạm phát sóng FM Phja Oắc. Nơi mà 1 giờ có đến 6 mùa (theo lời những người đàn ông ngày đêm chống chọi sấm sét, băng giá, giữ cho sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đến với người dân)- và Kame đã được trải nghiệm 4 mùa, còn mưa vs băng giá thì chưa được thấy thôi.
Đường lên Phja Oắc không quá khó đi, chỉ cần vô số 1 là đi được à🤭🤭🤭. Hai bên đường lên là rừng già, rêu phong bám đầy cổ thụ lại làm nhớ rừng cổ Tà Xùa. Xung quanh mây mù giăng lối, bán kính tầm nhìn xa….không có. Cứ bật đèn và đi bằng niềm tin thôi. Tuy nhiên lên được đỉnh mọi người sẽ thấy không phí hoài thanh xuân nhé.
Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m, ngần ấy cũng đủ để Phia Oắc là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và cả miền đông bắc Việt Nam.
Nhưng vì khá cao và lạnh nên đề nghị phải chuẩn bị áo ấm. Được các Anh kỹ thuật viên của Trạm phát sóng FM này mời cốc chè nóng, dăm miếng đậu phộng quý nhâm nhi, còn tặng cô bạn mình chai dầu gió nữa, quá thân thiện và quý khách.
– Rời Phja Oắc đi về hướng đèo Khau Cốc Trà, dọc theo Quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, cây trúc sào được trồng bạt ngàn dọc hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Chỗ nào đất đồi dốc, cây trúc càng dễ dàng đâm chồi, vươn lên xanh ngút ngàn.
Rừng trúc Nguyên Bình có tổng diện tích trên 30 ha (diện tích trúc là 20 ha, vầu là 10 ha). Thông thường phải mất ba năm để cây trúc có thể trưởng thành và đạt tiêu chuẩn. Khi đó, người dân địa phương sẽ tiến hành tách tỉa, thu hoạch và trồng thêm cây con bổ sung.
Huyện Nguyên Bình hiện có 16/17 xã, thị trấn có các diện tích trồng trúc, nhiều nhất là tại các xã Ca Thành, Thành Công, Minh Tâm, Thể Dục, Triệu Nguyên… Một số xưởng chế biến, sản xuất đồ dùng từ nguyên liệu trúc, tre trên địa bàn thường xuyên tổ chức thu mua trúc sào của bà con, để đưa ra thị trường những sản phẩm được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng bàn ghế trúc, chiếu trúc và các loại đồ gia dụng khác. Nhờ vậy mà đời sống của người dân nơi đây ngày một tốt hơn.
Vẻ đẹp của rừng trúc nơi đây chỉ nhỏ hơn về quy mô so với rừng trúc Arashiyama nổi tiếng của Nhật Bản (rộng 16 km2) chứ không hề thua kém về vẻ đẹp cũng như mức độ hoang sơ.
– Đèo Khau Cốc Trà (hay còn gọi là Đèo Mẻ Pia, Đèo 14 tầng…) con đèo nằm trên địa phận xã Xuân Trường (Bảo Lạc), cách thị trấn Bảo Lạc 18 km theo Quốc lộ 4A hướng đi huyện Hà Quảng. Đây là một trong những cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu nhất khu vực Đông Bắc Bộ. Con đèo dài 2,5 km, gồm 15 tầng dốc quanh co với những khúc cua gấp, hạ độ cao nhanh, hai bên là núi cao trùng điệp.
Đèo Khau Cốc Trà có từ thời Pháp thuộc và chỉ là con đường mòn với chiều rộng chỉ khoảng 40 cm. Năm 2009, con đường được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2011 với chiều rộng 5 m. Sở dĩ gọi là đèo 15 tầng bởi tính từ chân đèo tới đỉnh đèo có tổng cộng 15 khúc cua. Để ngắm được toàn cảnh đường đèo 15 tầng và có được bức ảnh đẹp thì phải leo núi lên đỉnh.
Quãng đường mòn lên núi dài khoảng 1 km và phải đi bộ 30 phút lên, xuất phát từ dưới chân núi là nhà bán tạp hóa của bà Nông Văn Ngoan, mọi người cứ search GG Map là đi được. Đối với người hay leo núi thì cung đường này không khó nhưng dễ đi nhầm, lúc trước hay thuê bà Ngoan hoặc cháu bà dẫn đường nhưng giờ có dân địa phương vẽ mũi tên nên không cần người dẫn vẫn đi được.
– Bởi vì đường núi khá dốc và trơn nên khi xuống núi là trời đã gần như tắt nắng rồi nên đoàn mình đã vượt đèo và đi trong đêm hơn 2 tiếng mới đến được Mế Farmstay lúc 7h tối. Tuy nhiên đường không quá khó đi, chỉ hơi tối và rét lạnh
-Bọn mình đã đặt bữa tối trước nên chỉ việc tắm rửa xong là vào ăn thôi. Bữa ăn ở Mế farmstay khá ngon, có 1 số món đặc sản Cao Bằng (nhưng mình ăn không quen)
– Một ngày rong ruổi khắp địa hình từ cao đến ít cao hơn xíu, từ ngày tới đêm, từ đổ đèo êm tới đèo cua tay áo+combo ổ gà+ tối+không đèn+không cột phản quang => đặt lưng xuống là ngủ ngay
***🤟 Ngày 3: Suối Lê-Nin, hang Pác Pó – Mộ Kim Đồng – Trà Lĩnh – Núi Mắt thần (núi Thủng)
– Đêm trước thấm mệt nên sáng ra ngủ nướng 1 tí mới dậy ăn sáng tại homestay, dành 2 tiếng xung quanh homestay xinh đẹp này, trải nghiệm cả bè tre quanh sông, mọi thứ thật tuyệt vời. Nằm giữa những ngọn núi cao, có dòng suối Lê-nin hiền hòa chảy dưới chân dãy núi, cảnh quan nơi đây xanh tươi, không khí trong lành.
Tuy nhiên bữa sáng homestay không hợp vị lắm, nếu mọi người không quen ăn miến dong thì cứ kêu mì gói là an toàn nhất nhé.
– 10h xuất phát đi Khu di tích Pác Pó, cách homestay 2km.
Vé vào khu di tích🎫 là 45k/người, vé giữ xe máy riêng, sẽ có xe điện chở vào tận Suối Lê Nin.
Điểm ghé đầu tiên là Km0 Đường Hồ Chí Minh. Điểm đầu tuyến tại Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến đường huyết mạch chạy dọc phía Đông đất nước từ Bắc vào Nam và mang ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
‘Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng,
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Trích – Nhật ký Trong Tù (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Pác Bó – tiếng Tày-Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Trong những ngày sống và làm việc tại đây, dấu chân Bác đã in khắp chốn. Suối Lê Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ.
Hang Cốc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một hang động nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Hang Cốc Bó trong tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn” nằm bên sườn núi Các Mác, gần dòng chảy của suối Lê Nin. Vì trong lòng hang tối tăm, ẩm thấp, nhỏ hẹp, lạnh lẽo và nằm sâu trong khe núi nên thời đó không ai để ý tới, hang trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho Bác để hoạt động Cách mạng
Suối Lê nin là đầu nguồn của Sông Bằng. Sông Bằng chảy qua thành phố Cao Bằng, rồi qua cửa khẩu Tà Lùng chảy sang Trung Quốc – nay thuộc di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc.
Dòng suối hiền hòa xanh màu ngọc bích tuôn chảy từ đầu nguồn Pác Bó được người dân bản địa gọi là suối Giàng hay Dòng Trừng.
TUY NHIÊN: điểm trừ lớn nhất là cái cách người khai thác du lịch ở đây, nó quá tệ cho 1 khu di tích mang tính lịch sử quốc gia thế này, từ thái độ người lái xe điện, cho đến Bảo vệ giữ cổng ra vào, họ rào chắn các con đường và yêu cầu người du lịch phải đi qua con đường có khu bán hàng lưu niệm mới có thể rời khỏi được đến trạm xe điện, thiếu chuyên nghiệp và gây khó chịu cho mọi người.
– 13h về lại homestay ăn trưa và trả phòng để di chuyển đến Trà Lĩnh cắm trại. Trên đường đến núi Thủng (núi Mắt Thần) sẽ đi ngang qua Mộ Kim Đồng, nếu có thời gian thì bạn có thể ghé vào thắp 1 nén hương tưởng nhớ “chú bé loắt choắt” nhé.
– Đường từ Pác Pó đến Núi Thủng phải nói là cực đẹp, chỉ khó 1 đoạn đường đèo tắt ngang thôi, còn lại thì cứ kéo tay ga, ngắm nhìn lúa vàng mênh mông lọt thỏm giữa 2 dãy núi.
– 17h đến núi Thủng, mình đã đặt tour camping trước với Mảy Linh Travel nên họ đã dựng sẵn lều và chuẩn bị cho team, mọi thứ sẵn sàng, chờ đến tối là chill thôi.
Núi Mắt Thần hay còn được gọi là núi Thủng là một ngọn núi có hình dáng độc nhất vô nhị tại Cao Bằng, nằm sâu trong khu vực núi rừng và cách đường quốc lộ cũng như thành phố Cao Bằng tương đối xa, tọa lạc tại bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Và nằm trong quần thể 36 hồ Thang Hen, là điểm đến nổi bật của công viên địa chất Cao Bằng.
Ngọn núi này còn được gọi bằng một cái tên khác là “núi Thủng”, do hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m, và ngọn núi có độ cao khoảng hơn 50 m so với mặt hồ đây là ngọn núi được coi là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Camping🏕 là bộ môn chỉ thích hợp dành cho mấy tâm hồn”mơ núi mơ sông” thôi vì ở đây trừ thiên nhiên và những người bạn thì những tiện nghi phố thị hoàn toàn không có. Lều nhà tour chuẩn bị có túi ngủ dành cho mỗi người nên rất ấm áp, tuy nhiên trời về đêm khuya sương rất dày và lạnh giá, nên phải chuẩn bị thêm áo lạnh và mũ nhé.
Đêm đêm ngồi quay quanh bên đống lửa trại, nhâm nhi ly rượu ngô, tâm sự với kẻ lạ người quen đủ chuyện thế gian, khi chén rượu ấm nồng cùng nhau quây quần ngân nga câu hát bên chiếc guitar của anh chàng lều bên cạnh, mọi thứ như không có khoảng cách về không gian, con người, văn hóa….
Đêm xuống là lúc sương phủ mờ vạn vật, cái rét buốt nơi xứ xa, xung quanh các bạn 4 chân (ngựa, trầu, bò, chó) đi loanh quanh lều ăn cỏ, bạn sẽ có một trải nghiệm vô cùng thú vị khi camping ở núi Thủng, Trà Lĩnh, Cao Bằng.
Tuy nhiên mình bị nhiễm lạnh từ đêm trước và phải lái xe cả ngày nên cả đêm hành sốt cùng cảm lạnh nên không chill cùng team được (tiếc lắm), do vậy mọi người nên chuẩn bị cẩn thận giữ ấm và mang theo thuốc bên mình nhé.
*👈👉 Ngày 4: Trà Lĩnh – Trùng Khánh – Thác Bản Giốc
– Sáng dậy nhâm nhi mỳ gói, hay sandwich, ly trà gừng nóng hay cốc cafe hòa toan, ngắm nhìn lũ 4 chân: trâu-bò-chó-ngựa lang thang, mây trôi lững lờ, nắng vàng ấm áp thì phải nói là các siêu phẩm ra đời.
– 9h team mình chào tạm biệt các bạn bên tour cắm trại và rời Trà Lĩnh đi về Trùng Khánh khám phá thác bản Giốc, đoạn đường về rất dep, trời trong xanh, mây trắng bay, xa xa núi non trùng điệp, bên dưới là ruộng lúa chín vàng tít tắp, lâu lâu lại bắt gặp hoa hoa cỏ cỏ dại bên vệ đường, khó mà có bút mực nào tả được cảnh đẹp thiên nhiên , yên bình nơi đây.
Đến Trùng Khánh là vừa kịp buổi trưa, ở đây sầm uất hơn bên Pác Pó nhiều, có nhiều hàng quán ăn to hơn do dân du lịch về thăm Bản Giốc với lưu lượng mỗi ngày khá nhiều. Bọn mình dừng chân tại Nhà Hàng Cây Khế, các món ăn tươi ngon, giá phải chăng, quán rộng thoáng mát, do khách order mới nấu nên hơi lâu.
-13h check in Yến Nhi Homestay, nằm đối diện làng đá Khuổi Kỵ ở Bản Giốc. Bọn mình đặt ăn uống bữa tối và sáng ở đây luôn nên khá thuận tiện.
– Vì đi đoạn đường dài khá mệt nên đến tận gần 16h mới lững thửng ra thác Bản Giốc, vé vào là 45k, 3k gửi xe. Ai thích có thể thuê trang phục dân tộc, quần áo vintage xúng xính với giá 100k tha hồ tạo dáng.
Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam đoạn cột mốc 784 tại khu vực Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Sau khi đổ xuống chân thác thì sông quay hẳn vào địa phận Trung Quốc.
Thác Bản Giốc, hơn cả một địa danh, hơn cả một thắng cảnh, cái tên ấy đau đáu một phần máu thịt người Việt với bao tháng năm dâu bể cùng nắng mưa miền biên ải
Cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới đã phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Thác Bản Giốc gồm có 2 phần: thác Cao là thác phụ vì lượng nước ít, thác Thấp là thác chính nằm trên cột mốc biên giới Việt Trung. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi. phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn.
Đây là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam và nó được đánh giá là một trong 7 thác nước đẹp nhất thế giới. Hàng năm thác này đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm để chiêm ngưỡng và ghi lại sự kỳ vĩ của thác nước này. Tháng này nước đổ về nhiều, xung quanh là lúa chín vàng ươm nên thác Bản Giốc hiện ra vô cùng hùng vĩ.
Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm thác từ nhiều góc độ.
– Nếu mọi người có thêm thời gian hãy tham quan chùa Phật Tích Trúc Lâm và Hồ Bản Viết. Nếu ai ở lại 1 ngày nữa thì phải leo Ngọc Côn Sơn để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của dòng sông Quây Sơn trải dài.
Sau khi mãn nhãn với thác Bản Giốc, quay trở lại homestay Yến Nhi trời vừa kịp tối, sau khi tắm rửa nghỉ ngơi thì được thưởng thức bữa tối nóng hổi bên dưới hàng động treo đèn rực rỡ của chính homestay này, mọi thứ khá tuyệt với từ chị chủ homestay đến những người bạn xa lạ giao lưu từ đất nước xa xôi vạn dặm đến tham quan Việt Nam xinh đẹp của mình.
*👋Ngày 5: Làng đá Khuổi Kỵ – Trùng Khánh – Tp. Cao Bằng – Hà Nội – HCM
-Sáng dậy sớm tham quan làng đá Khuổi Kỵ (đối diện homestay Yến Nhi), trong làng đá trăm năm tuổi này có rất nhiều homestay của dân địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mọi người có thể đặt phòng ở trong khu này luôn. Nếu không thì cứ như Kame đặt phòng ở Yến Nhi Homestay xong đi bộ quanh làng cổ khám phá, làng không lớn lắm nên dạo quanh quanh tầm 30 phút – 1 tiếng chụp ảnh là xong.
Làng đá cổ Khuổi Ky (Trùng Khánh, Cao Bằng) nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá, mang vẻ đẹp cổ kính rất riêng của núi rừng Đông Bắc. Làng gồm có 14 hộ dân tộc Tày sinh sống.
Những ngôi nhà sàn đá này có từ khoảng năm 1594 – 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để phòng thủ, những ngôi nhà sàn bằng đá được xây lên như những “pháo đài”.
– Sau khi tham quan Khuổi Kỵ đoàn mình tranh thủ chạy 🛵 về tp Cao Bằng. Đường về khá nhẹ nhàng, đường đẹp, dễ chạy, xe hơi đông nên chú ý cẩn thận là được.
-11h về tới tp Cao Bằng, ghé ăn món phở Chua Quyên gia truyền – đặc sản Cao Bằng, rồi ghé chợ mua tí quà rồi về trả xa máy
-12h là lên xe 🚎Tám Nghĩa về lại Nội Bài
– Xe chạy ban ngày sẽ chậm hơn đi đêm khá nhiều nhưng thời gian lại vừa khớp. Xe cũng chỉ trả khách dưới chân cao tốc thôi nên mọi người bắt xe bus hoặc taxi vào sân bay. Nếu có thời gian dư dả thì nên đi xe bus với giá vé 8k/người. Đến sân bay tầm 7h tối, check in xin được vé về sớm do Bão Noru nên 10h đêm là đã có mặt ở Sài Gòn rồi.
– Kết thúc hành trình tốt đẹp đầy ắp kỷ niệm nơi vùng đất Đông Bắc tươi đẹp
====== Một số thông tin hữu ích cho mọi người:
1. 🚍Nhà xe đi Nội Bài- Cao Bằng: Xe số 42 đi chuyến đêm muộn nhất và chiều ngược lại Cao Bằng – nội Bài : Xe Tám Nghĩa. Xe giường nằm. Hoặc có thể đặt Mảy Linh Travel cả combo thì họ book xe cho mình luôn.
2. 🛵Thuê xe máy: MR. Huy ~ sdt 0966322829 – xe chỗ khách sạn Thảo Nguyên cũ. Nhớ kiểm tra xe thật kỹ nhé. Giá Xe từ 100k-120k/ngày
3. 🏡 Homestay ở Pác Pó_ Mế farmstay: ĐT203, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Liên hệ: 094 898 13 91. Farmstay đẹp, sạch sẽ nhưng dạng nhà sàn gỗ nên cách âm khá kém nhé.
🏡 Homestay ở Đàm Thủy, (thác Bản Giốc)_ Yến Nhi Homestay ở Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. SĐT: 094 224 17 60. Homestay này có 2 cơ sở, 1 là ở trong làng đá Khuổi Kỵ (nhà đá cổ) chuyên dành cho team đông người tầm 10-15 người. Và cơ sở 2 ở gần đó vài bước chân, thì phòng ốc còn mới và đa dạng. Có đủ nước nóng lạnh, sạch sẽ
4. 🏕Tour Camping Núi Thủng ở Trà Lĩnh: Mảy Linh Travel. Liên hệ Ms. Linh 0961618111
HAVE A GREAT TRIP <3 #reviewCaoBang #Kametrip #thacbangioc #nuimatthan #nuithung #tralinhcaobang #deomepia #langdakhuoiky #trungkhanhcaobang #phuotcaobang #caobangtutuc