Kinh nghiệm du lịch Kuala Lumpur (Malaysia) tự túc 4n3đ

Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến nước ngoài gần Việt Nam, vừa “ngon – bổ – rẻ”, vừa đa dạng về văn hóa và kiến trúc, lại muốn tiết kiệm chi phí mà vẫn thỏa sức khám phá ẩm thực tinh tế, phong phú, đồng thời check-in tại những địa điểm sang chảnh, thì Kuala Lumpur — thủ đô của Malaysia — chính là lựa chọn lý tưởng. Đây là nơi giao thoa tuyệt vời giữa văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai và cả phương Tây

1.Vài nét chung về Kuala Lumpur (KL)

Kuala Lumpur (gọi tắt là KL) có khởi đầu khiêm tốn từ một thị trấn khai thác thiếc trong những năm 1850 trước khi trở thành thủ đô liên bang của Malaysia ngày nay.

Lãnh thổ nằm ở giữa vùng bờ biển phía tây của Malaysia bán đảo, và được bang Selangor bao quanh hoàn toàn. Kuala Lumpur là nơi đặt trụ sở của Quốc hội Malaysia.

Kiến trúc Kuala Lumpur là sự pha trộn giữa ảnh hưởng từ kiến trúc thuộc địa cũ, truyền thống châu Á, cảm hứng Hồi giáo Mã Lai, hiện đại, và hậu hiện đại.  Kuala Lumpur là một thành phố tương đối trẻ so với các thủ đô Đông Nam Á khác, hầu hết các tòa nhà thuộc địa tại thành phố được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Hồi giáo được thực hành chủ yếu bởi các cộng đồng người Mã Lai và người Ấn theo Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo chủ yếu được thực hành trong cộng đồng người Hoa. Người Ấn có truyền thống gia nhập Ấn Độ giáo. Một số người Hoa và người Ấn đăng ký làm tín đồ Ki-tô giáo. Hiện nay có khoảng 46,4% là người Hồi giáo, 35,7% là Phật tử, 8,5% theo Ấn Độ giáo, 5,8% là Ki-tô hữu, 1,1% là tín đồ Đạo giáo hay tín ngưỡng truyền thống Trung Hoa, 2,0% theo các tôn giáo khác, và 0,5% không tôn giáo.

Từ thập niên 1990, thành phố là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, chính trị và văn hóa quốc tế, bao gồm đại hội thể thao Thịnh vượng chung năm 1998, hay giải đua ô tô công thức 1 Grand Prix. Và không thể quên tòa tháp đôi cao nhất thế giới Petronas.

Với sự đa dạng văn hoá của thành phố, chi phí tương đối thấp và nhiều loại hình ẩm thực và mua sắm góp phần thúc đầy du lịch Kuala Lumpur phát triển.

2.Nên đi vào thời điểm nào?

Malaysia có hai mùa khí hậu: khô và nóng, ẩm ướt và nóng. Nói chung là khá tương đồng với Tp. HCM. Nhiệt độ về đêm cũng hiếm khi xuống dưới 20 độ, vậy nên đến KL mùa nào cũng được, nếu ngại thì tránh mùa mưa vào tháng 10-11 là được. Tuy nhiên Kame đi KL vào tháng 11 nên có trải nghiệm về mưa ở KL. “Thú vị lắm” – mưa kéo dài 1-2 giờ dai dẳng kèm sấm chớp.

3.Phương tiện di chuyển?

-✈️ Máy bay: Từ Hà Nội bay đến KL sẽ lâu hơn 2h so với xuất phát từ HCM. có kha khá hãng bay từ Hà Nội/HCM đến KL như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Malaysia Airlines, AirAsia.
Mình chọn đi hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới trong nhiều năm qua là Air Asia nhưng mà nói thật là nó không bằng Vietjet. Máy bay nhỏ, không phát cả nước uống nếu mua vé economic.
Mọi người có thể săn vé rẻ nếu săn từ sớm. Vé đi KL chắc chắn rẻ hơn đi Hà Nội từ HCM rất nhiều dù giờ bay là như nhau.

Lưu ý là ở Kuala Lumpur có 2 sân bay, 1 sân bay mới (KLIA2) thì Air Asia và một số hãng bay giá rẻ sẽ hạ cánh tại đây, 1 sân bay cũ (KLIA1) cho các hãng bay còn lại. Với các hãng bay của Việt Nam thì VietJet sẽ dùng KLIA2 và Vietnam Airlines sẽ dùng KLIA1. Các bạn cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi bay để lên phương án di chuyển cho dễ.

Tàu điện KLIA Ekspres: Đây là chuyến tàu chạy không dừng trên đường di chuyển, xuất phát từ KLIA2 về qua KLIA1 và chạy thẳng về KL.

Kame trải nghiệm 1 chiều từ sân bay về ga Sentral và thấy phương tiện này có chỗ ngồi thoải mái, điều hòa không khí, kết nối wifi miễn phí và tivi trên tàu, hoạt động từ khoảng 5h30-24:00 ,15-20 phút một chuyến. Giá vé từ 35 RM/chiều. => Giá gần gấp 2 grab nhưng nên trải nghiệm thử vs khách du lịch vì sau 1 chuyến bay mệt mỏi, ngồi tàu ngắm cảnh và chụp ảnh sống ảo được nữa.

-🛵 Xe máy: có thể thuê xe máy chạy khắp nơi nếu có bằng lái quốc tế và đủ tự tin chạy xe đua chung với mấy bạn Đài Loan. Đặc biệt bên này không có làn riêng cho xe máy, và xe chạy bên trái ngược với Việt Nam. Và đây là phương tiện mình thấy di chuyển nguy hiểm nhất đối với khách du lịch.=> Không nên dùng.

-🚗 Taxi: Giá taxi ở Kuala Lumpur khoảng 3 MYR cho 1km đầu tiên, sau đó là 1 MYR cho mỗi km tiếp theo, xu xu có thể sẽ gặp một số tài xế taxi lừa đảo và họ cố gắng lừa để thu nhiều tiền của bạn hơn. Các tốt nhất là thương lượng giá cả trước khi lên xe và luôn đảm bảo taxi có bật đồng hồ đếm km. Đa số taxi ở KL đều không có phí mở cửa. Nếu sử dụng dịch vụ taxi trong khoảng thời gian từ 00:01 đến 05:59, sẽ có phụ phí 50%. Ngoài những chiếc taxi thường (chủ yếu màu đỏ trắng) còn có cả taxi màu xanh da trời giá đắt hơn ( 6 MYR cho km đầu tiên, 2 MYR cho các km tiếp theo). => Nói chung không nên đi Taxi ở KL

Bus: RapidKL (Xuyên suốt KL) hoặc Go KL City Bus (4 tuyến chính chủ yếu đi qua các khu vực KLCC, Bukit Bintang và Chinatown.) là một trong những phương tiện đi lại ở Kuala Lumpur giá rẻ nhất, đa số chúng đều không có điều hòa, không có bản đồ, biển báo và thời gian chạy ở các điểm dừng. Giá vé từ 1 MYR – 5 MYR tùy thuộc vào số lượng điểm dừng. Giờ chạy 6:00-23:00 hàng ngày

LRT: là viết tắt của Light Rail Transit, có nghĩa là hệ thống đường sắt nhẹ.
+Có 3 tuyến của RapidKL: Ampang – Sentul Timur (line màu vàng), Sentul Timur – Sri Petaling (line màu xanh lá) và Kelana Jaya – Terminal Putra (line màu tím nhạt).
Giá từ 0,7 MYR đến 2,8 MYR => ưu điểm nhanh, đi qua các khu trung tâm, phố lớn, khách sạn nổi tiếng. => có thể thử trải nghiệm
+Có 2 tuyến của Komuter: Tanjung Malim – Sungai Gadut (line xanh lam) và Batu Caves – Pelabuhan Klang (line màu đỏ).

-🚗Grab car: phương tiện thuận lợi nhất để đi lại ở KL chính là grab. Biết trước được tiền và khoảng cách, có thể theo dõi hành trình, thông tin tài xế ngay trên ứng dụng. Quan trọng là rẻ và thuận tiện cho nhóm đi từ 3 người trở lên. Chỉ cần có tải app grab ở Việt nam và có mua sim quốc tế dùng được ở Malay là tha hồ dùng, qua tới KL là auto dùng như ở Việt Nam. Đặc biệt tài xế nói tiếng Anh rất tốt.

4.Lưu trú ở đâu?

Kuala Lumpur là thành phố được tham quan nhiều thứ sáu trên thế giới, với 8,9 triệu du khách mỗi năm. Nhiều chuỗi khách sạn lớn trên toàn thế giới có mặt tại thành phố nên không khó để tìm nơi lưu trú cho hành trình của bạn ở KL. Tuy vậy hãy lựa chọn các khách sạn ở các khu vực mà các bạn sẽ ở lâu nhất để thuận tiện cho việc đi lại. Thường khi đến khách sạn các bạn sẽ phải trả thêm khoảng 2-10 RM/1 người/1 đêm cho thuế du lịch do chính phủ Malaysia quy định, mức chi phí này thu trực tiếp bằng tiền mặt tại khách sạn nên thường không xuất hiện trong giá phòng.

=>Lưu ý nên book gần các trạm MRT hoặc khu phố ăn uốngđể thuận tiện di chuyển và không bị chờ lâu do tắt đường.

**Khu Bukit Bingtan

Kame ở Axon Hotel khu Bukit Bingtan, khu vực sở hữu hàng loạt các trung tâm mua sắm lớn của thủ đô. Đó là Berjaya Times Square, Pavilion, Bukit Bintang Plaza (BB Plaza), Lot 10, Fahrenheit… Ngoài ra đây cũng là nơi dành cho những du khách đam mê ẩm thực, phục vụ từ các món ăn bản địa nổi tiếng của Malaysia đến các món ăn quen thuộc của các nước khác. Bên cạnh đó lại gần khu street art, đi các điểm tham quan nổi tiếng khác khá tiện lợi. Khách sạn này có view ngắm tháp đôi và KL về đêm khá đẹp, có hồ bơi vô cực nữa.

Nó là đạng căn hộ nên đi nhóm 4 người hoặc gia đình ở vô tư. Có máy giặt và bếp nấu nướng khá ok, giá rẻ. Ngoài ra mọi người có thể chọn các hotel khác ngay trung tâm để có view xịn hơn, tuy nhiên giá khá chát.

**Khu Chinatown

Con đường này tập trung rất nhiều hàng quán của người Hoa với giá cả bình dân, bên cạnh đó là một số mặt hàng khác như túi xách, đồ lưu niệm, quần áo bình dân. Ngay gần khu Chinatown là Central Market, cách Jalan Petaling khoảng 5-10 phút đi bộ. Đây là chợ trung tâm truyền thống đã có từ lâu đời của Kuala Lumpur, chủ yếu bán các đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ.. mang đậm bản sắc của người dân địa phương.

Ảnh: sưu tầm

**Khu KL Sentral

Khu này là nơi tập trung các đầu mối giao thông đi lại của KL cũng như một số địa điểm xung quanh, nếu các bạn ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, có thể chọn lưu trú gần đây. Khu này cũng khá gần khu Little India.

Tropicana the Residence Hotel là recommend nếu mọi người có tài chính tốt. View siêu xịn sát ngay tháp đôi Petronas. Nhưng cần book trước vì rất hay hết phòng.

5. Nên đến Kuala Lumpur vào thời gian nào?

Kuala Lumpur có khí hậu xích đạo với thời tiết nắng ấm quanh năm, lượng mưa dồi dào. Từ tháng 10 đến tháng 3 có ảnh hưởng của gió mùa đông bắc khiến thời tiết mát mẻ hơn. Về cơ bản thì bạn có thể du lịch Kuala Lumpur vào bất cứ mùa nào trong năm, chỉ cần săn được vé máy bay rẻ thì bạn có thể lên kế hoạch ngay.

Vào tháng 6-7 là khoảng thời gian có lượng mưa ít nhất trong năm nên nếu bạn muốn tham quan và tắm biển thì nên cân nhắc thời điểm này. Còn nếu bạn là tín đồ mua sắm hoặc muốn tham gia lễ hội thì nên chọn đi vào cuối năm và đầu năm. Lúc này diễn ra lễ Giáng sinh lộng lẫy, Tết dương lịch với những màn bắn pháo hoa rực rỡ và các tuần lễ khuyến mại khủng đến 80% tất cả các mặt hàng.

Thời điểm Kame đi vào cuối mùa mưa của KL, được trải nghiệm một cơn mưa to sấm sét khủng khiếp trong suốt hơn 2 giờ.Tuy nhiên lại có những thời điểm trời rất nóng, nói chung thời tiết giống thành phố Hồ Chí Minh gần như 100%.

6.Ăn gì?

Riêng phần ăn uống thì mình có lên bài riêng, mọi người tham khảo nha.

7.Review lịch trình: 🧚🧚🧚

##Ngày 1: HCM-KL
Kame book vé AirAsia vào buổi trưa, nên đáp xuống sân bay KL là tầm 2h chiều bên Malaysia. À bên Malay sẽ đi trước Việt Nam 1 tiếng nhé, lệch múi giờ tí nên 6h tối bên đấy mà trời vẫn sáng trưng.
** Chú ý là ở Kuala Lumpur có 2 sân bay, 1 sân bay mới (KLIA2) thì Air Asia và một số hãng bay giá rẻ sẽ hạ cánh tại đây, 1 sân bay cũ (KLIA1) cho các hãng bay còn lại. Với các hãng bay của Việt Nam thì VietJet sẽ dùng KLIA2 và Vietnam Airlines sẽ dùng KLIA1. Các bạn cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi bay để lên phương án di chuyển cho dễ nhé.

  • Kame đáp ở KLIA2, và đã trải nghiệm đi tàu điện KLIA Ekspres giá gần gấp 3 đi grab từ sân bay về trung tâm KL, tuy nhiên khá ổn áp. Mua vé ngay tại cửa ra sân bay luôn. Trả tiền mặt và dĩ nhiên đã đổi tiền ở Việt Nam rồi, tỷ giá lúc đi là 1MYR~5300VND. Sau đó theo bảng hướng dẫn xuống tầng hầm và lên tàu di chuyển về KL Sentral. Khúc đợi tàu và ngồi trên tàu làm được hẳn 1 album cơ. Mát mẻ, sạch sẽ, tiết kiệm thời gian, tầm khoảng 1h di chuyển thôi.
  • Check in khách sạn: tầm 4h đến khách sạn. Kame đã đặt phòng trên booking nên đến khách sạn là có bạn sales phòng đến đón, bạn cũng khá nhiệt tình. Tuy nhiên cái khách sạn này nó khá hời hớt, toàn tòa nhà có mỗi 2 bảo vệ ngồi ngay quầy, điền thông tin người thuê xong thì Sales dẫn lên phòng, di chuyển ra vào là có thẻ, nên chả thấy bảo vệ nào nữa cả. Nói chung không đề nghị mọi người chọn khách sạn này vì độ an toàn nếu bạn đi một mình và là nữ.
  • Nghỉ ngơi tí thì bọn mình đi bộ ra khu chợ đêm nổi tiếng gần đấy là Jalan Alor – chợ đêm nhộn nhịp nhất ở Bukit Bintang KL.

Đường ẩm thực Jalan Alor là một con phố dài với hàng chục quán ăn san sát nhau. Tại đây phục vụ từ các món ăn đặc sản không chỉ của Malaysia mà còn của các quốc gia lân cận. Nói chung là khu này bán đầy đủ các món Thái-Việt-Ấn-Trung, giá tương đối cao vì chủ yếu dành cho khách du lịch (món nào cũng 200.000VND trở lên)

Thời điểm nhộn nhịp và tấp nập nhất ở Jalan Alor là từ 9h đêm trở đi. Đến khoảng 3h sáng, các quán ăn của khu phố mới rục rịch đóng cửa. Tại đây, chỉ có một số ít bán đồ ăn vào buổi sáng hoặc buổi trưa.

Mọi người nên đi đến cuối đường có mấy xe đẩy thì giá rẻ hơn. Mình khởi động ngày đầu ăn món Thái, trộm vía khá ngon, mua linh tinh các món ăn vặt cũng ok. Tuy nhiên trừ sầu riêng ra thì thấy trái cây không ngon như ở Việt Nam mình, dâu nhìn hấp dẫn mà nó dỡ lắm. Dừa khá ok, đầy nước mà giá cũng rẻ. Giải khát an toàn.


*** Sầu riêng bên này có 2 loại: BlackThorn và Musang King. Cá nhân thấy Black Thorn (Màu đậm hơn) ăn ngon như ri6 nhà mình, còn Musang King thì bình thường. Do đó mà giá Black Thorn khá cao. Bên chợ này đi đâu cũng thấy sầu riêng bày bán la liệt, thiên đường cho mấy bạn fan sầu riêng.

Xung quanh khu Jalan Alor, bạn cũng sẽ có cơ hội bắt gặp nhiều nghệ sĩ tự do đường phố. Được nghe nhạc sống miễn phí vì khá nhiều bạn trẻ đến Jalan Alor để ca hát, kiếm thêm thu nhập hàng đêm

  • Ăn uống no say về khách sạn tắm rửa và đi grab đến tháp đôi Petronas nổi tiếng.

Tháp đôi Petronas là biểu tượng của sự phát triển và hào quang của Malaysia. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo và đẹp mắt được xây dựng bởi tập đoàn dầu khí hàng đầu của quốc gia này. Tòa tháp đôi này mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Hồi giáo truyền thống và hiện đại. Hai tòa tháp cao 88 tầng được nối với nhau bởi một cây cầu trên không ở tầng 41 và 42 tạo nên một khung cảnh tuyệt vời cho người ngắm.

Nếu mọi người có thời gian nhiều thì sẽ khám phá thêm Skybridge-là cây cầu nối giữa hai tòa nhà cao nhất thế giới nằm ở độ cao 170m, dài 58m. Bạn có thể bước lên cây cầu và cảm nhận được sự rung lắc nhẹ nhàng khi gió thổi. Hoặc mua sắm ở Suria KLCC – trung tâm thương mại hiện đại và sang trọng nằm ở chân tháp đôi Petronas, nơi hội tụ của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng từ thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng cho đến nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim…Hoặc dạo quanh công viên KLCC Park nằm sát ngay tòa tháp đôi.

Công viên KLCC Park . Ảnh : Sưu tầm

Nói chung là tòa tháp đôi Petronas rực rỡ về đêm, luôn đông đúc nhộn nhịp khách du lịch. Ở đây có thêm dịch vụ chụp ảnh bằng điện thoại và dèn flash. Nói chung dạo quanh khu này cũng vui. Tầm 11h quay về khách sạn nghỉ ngơi.
=> HẾT NGÀY 1

##Ngày 2: Động Batu-Jalan Alor Street Art-Quảng trường độc lập Merdeka

Vì nghe nói đi muộn Động Batu sẽ rất đông nên tranh thủ nhóm dậy sớm đi sớm, 6h đã dậy nhưng trời vẫn tối, 7h trời vẫn chưa sáng, đường vắng vẻ nên cũng ngại, vậy nên hơn 8h sáng mới bắt grab đi Batu. Cách khách sạn mình tầm 13km, đi grab đâu đó hơn 11MYR/chiều.

Đến nơi thì vẫn còn khá vắng nên tranh thủ chụp ảnh. Dạo xung quanh quảng trường, do mê chụp quá mà lẽ ra phải leo lên cái bậc thang cầu vồng trước, nhưng đến khi nhớ thì khách du lịch và dân theo đạo đi lễ đổ về, đông khủng khiếp. Đến KL thì nên tham quan nơi này, rất là đậm nét văn hóa Ấn Độ ở quốc gia đa văn hóa Malaysia

Động Batu

Nằm ẩn mình bên trong ngọn núi đá vôi thuộc quận Gombak, cách thủ đô Kuala Lumpur về phía Bắc khoảng 15km. Ngọn núi đá vôi này có lịch sử hơn 400 triệu năm tuổi. Vào thế kỷ thứ XIX, một thương nhân người Ấn Độ tên là Thambusami đã tìm ra. Nhưng sau một thời gian dài hang động bị lãng quên, thì đầu thế kỷ XX hang động một lần nữa được các công nhân người Ấn làm việc tại Malaysia phát hiện khi đang tìm kiếm nơi làm đền thờ cho các tượng thần. Và kể từ đó động Batu được xây dựng và trở thành thánh địa của đạo Hindu tại Malaysia.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục động Batu chính là tượng thần Lord Murugan – một vị thần tối cao được tín đồ Hindu giáo tôn thờ. Tượng thần được đặt ngay lối vào động, với chiều cao lên đến 42,7 mét, kết hợp với màu vàng rực rỡ tạo nên sự uy nghi và oai dũng của một vị thần đầy sức mạnh. Không chỉ vậy màu sơn vàng tương phản với màu xanh của núi rừng như làm điểm nhấn đầy sinh động cho động Batu.

Tiếp theo cho hành trình chinh phục hang động Batu là vượt qua 272 bậc thang nằm tựa cheo leo trên sườn núi đá vôi triệu năm tuổi. Vào năm 2018 các bật cầu thang đã được đầu tư sơn thành 7 sắc cầu vồng vô cùng bắt mắt. Và đây là điểm check in không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai đến Malaysia và thăm động Batu.

Sau khi chinh phục 272 bậc thang thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng Cathedral Cave hay còn gọi là Hang Đền. Hang động có trần cao lên đến 100m tạo nên không gian vô cùng rộng rãi. Khi bước vào bên trong mọi người sẽ không khỏi trầm trồ trước kiến trúc điện thờ Hindu quá đỗi lộng lẫy. Các tượng thần được chạm khắc tinh xảo về tinh tế như phần nào tô vẽ thêm sự linh thiêng và huyền bí.

Đến Hang Đền mọi người không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc mà còn được tìm hiểu về văn hoá tín ngưỡng và những câu chuyện vô cùng hấp dẫn của đạo giáo Hindu.

Ở phía cuối là một dãy cầu thang dẫn đến một hang động ngoài trời thứ hai.

Tại hang động Batu có rất nhiều khỉ hoang dã. Bạn có thể bắt gặp chúng mọi nơi kể từ các bậc thang cho đến khi bước vào hang động. Tốt nhất không nên mang theo bất kỳ thức ăn hoặc thức uống nào lên hang động – vì lũ khỉ sẽ ăn trộm. Ngoài ra bạn cũng nên để mắt đến các vật dụng cá nhân như ví tiền hay điện thoại vì bọn chúng có thể trộm mọi thứ.

Mãi chơi ở Batu đến tầm 11h hơn thì về ăn trưa và cafe ở quán Canokopi, đồ ăn thức uống rất ngon luôn. Mình ăn trưa 2 ngày ở đây luôn.

Ăn xong dọc theo con hẻm nhỏ để về khách sạn, lang thang mấy khu này có bán rất nhiều món ăn vặt kiểu dân địa phương hay ăn. Nhưng vẫn không thể so với chuối chiên hay khoai lang chiên của mình

Rất nhiều món ăn vặt địa phương được bán trong hẻm nhỏ, bạn có thể ghé mua bất kỳ quầy nào, nhưng không quá đặc sắc như ở Việt Nam
  • Về khách sạn nghỉ ngơi tránh nắng nắng. Tầm 4h chiều, đi bộ ra khu phố Street Art ngay Bukit Bingtan chụp ảnh, khu này nó nằm ngay sau phố ẩm thực Jalan Alort. Chụp lên ảnh đẹp, đi buổi xế chiều cũng vắng vẻ, dạo chơi khám phá được nhiều. Mệt thì vào chợ mua nước dừa uống hay ăn nhẹ gì đó.

Jalan Alor Street Art: Nghệ thuật đường phố Mural đa sắc màu tại Kuala Lumpur.

Biến hình từ con hẻm “ổ chuột” xấu xí bẩn thỉu, từng là nơi tệ nạn ma túy đầy rẫy trong quá khứ, giờ đây Jalan Alor đã được ươm đầy màu sắc nghệ thuật mà bất cứ ai cũng đều muốn đến. Những bức tranh tường đầy màu sắc và sáng tạo đã biến nơi đây thành một phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời độc đáo.

Các tác phẩm nghệ thuật đường phố tại Jalan Alor đa dạng về phong cách và chủ đề, từ những hình ảnh trừu tượng đến những bức chân dung sinh động, từ những câu chuyện về văn hóa địa phương đến những thông điệp về bảo vệ môi trường. Mỗi bức tranh đều mang một câu chuyện riêng, thể hiện tài năng và sự sáng tạo của các nghệ sĩ

Lang thang trên những con phố này, bạn sẽ bắt gặp cả một thế giới nghệ thuật mở ra trước mắt, nơi những bức tranh tường tuyệt mỹ khẽ thì thầm câu chuyện riêng của mình.

Từng mảng tường cũ của quán cà phê, nhà hàng hay những ngôi nhà nhuốm màu thời gian được khoác lên lớp áo mới đầy sắc màu và cảm hứng. Mỗi góc phố như một thước phim lặng lẽ, mời gọi bạn dừng chân, ngắm nhìn, và lưu giữ những khoảnh khắc nên thơ của hành trình.

  • Tầm 5h chiều khi thời tiết mát mẻ hơn, đi grab di chuyển qua khu quảng trường Merdeka dạo phố và chụp ảnh, ngắm hoàng hôn.

Quảng trường Độc lập Merdeka

Nằm ở trung tâm thành phố Kuala Lumpur, ngay cạnh Nhà thờ Hồi giáo Jamek và vùng đất liền phía trong Sông Sungai Gombak.

Tại đây, vào ngày 31/8/1957, Thủ tướng đầu tiên Malaysia – Tunku Abdul Rahman đã hạ lá cờ Anh để tuyên bố độc lập. Quảng trường Merdeka được đổi tên thành Dataran Merdeka (Quảng trường Độc Lập) vào năm 1989. Cho đến ngày nay, nơi đây trở thành khu phức hợp bãi đậu xe và khu mua sắm khổng lồ. Là nơi hàng năm vẫn được chọn là nơi tổ chức lễ kỷ niệm ‘’Ngày Độc lập’’ của quốc gia hoặc nhiều sự kiện lớn, chương trình ca nhạc trọng đại.

Với kame thì ấn tượng nhất là tòa nhà Sultan Abdul Samad, tọa lạc phía Đông Quảng trường Độc lập Merdeka, Malaysia là một biểu tượng kiến trúc mang đậm phong cách Moorish với tháp đồng hồ cao 41 mét cùng mái vòm tuyệt đẹp. Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư Arthur C. Norman, nổi bật với tông màu gạch đỏ trắng và hệ thống hành lang mái vòm độc đáo. Ngày nay, tòa nhà Sultan Abdul Samad là nơi làm việc của Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông Malaysia, vừa giữ gìn giá trị lịch sử vừa đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện chính trị, văn hóa của quốc gia.

Bạn nên ghé thăm nơi đây vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh dòng người tấp nập và tận hưởng không gian rộng rãi, thoáng đãng. Lưu ý nhỏ, khu vực quanh quảng trường khá ít hàng quán, vì vậy hãy chuẩn bị sẵn nước uống và vài món ăn nhẹ để tiếp thêm năng lượng cho hành trình khám phá.

Thời tiết ở Kuala Lumpur cũng rất “đỏng đảnh” — trời có thể nắng chang chang rồi bất chợt đổ mưa. Vì vậy, đừng quên mang theo một chiếc ô nhỏ hoặc áo mưa gọn nhẹ. Cá nhân Kame đã có một trải nghiệm đáng nhớ: lúc chuẩn bị rời đi thì cơn mưa ào đến, kèm theo sấm chớp đùng đoàng suốt gần ba tiếng đồng hồ. Không có cửa hàng hay quán xá để trú chân, Kame cùng vài người địa phương chỉ còn cách ngồi xổm bên vỉa hè, vừa né mưa vừa trò chuyện, chờ bầu trời quang trở lại. Một kỷ niệm “ướt át” nhưng đầy ấm áp của Kuala Lumpur!

Sau một ngày dài rong ruổi khám phá, cả nhóm Kame đã thấm mệt, nên quyết định chọn một quán lẩu gần khách sạn để vừa ăn uống, vừa thư giãn. Bữa ăn nóng hổi như tiếp thêm năng lượng, trước khi ai nấy đều trở về phòng, thả mình vào giấc ngủ để chuẩn bị cho hành trình ngày mai.

##Ngày 3: Chùa Thean Hou – Trung tâm mua sắm Eslite Spectrum – Pavilon

Rút kinh nghiệm của ngày hôm trước nên Kame đã dậy muộn hơn, sau một giấc ngủ sâu bổ sung năng lượng cho một ngày di chuyển nhiều. Khởi hành ngày thứ ba là lúc 9h sáng, đi grab đến chùa Thiên Hậu.

Chùa Thiên Hậu (Thean Hou)

Địa chỉ: 65, Persiaran Endah, Taman Persiaran Desa, 50460 Kuala Lumpur, Wilayah Persekutuan Kuala Lumpur, Malaysia
Giờ mở cửa: 8h00 – 22h00

Nằm yên bình trên đồi Robson, giữa lòng khu phố người Hoa nhộn nhịp ở Kuala Lumpur, Chùa Bà Thiên Hậu (Thean Hou Temple) là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất thủ đô. Với diện tích lên tới 6.760m², nơi đây được mệnh danh là ngôi đền thờ Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á.

Ngôi chùa là dấu ấn văn hóa mà cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người đảo Hải Nam, mang theo khi di cư đến vùng đất này. Kiến trúc truyền thống đậm chất Trung Hoa hiện diện rõ nét trong từng chi tiết: những mái vòm cong vút mềm mại, lớp ngói âm dương cổ kính, tất cả tạo nên một không gian vừa uy nghiêm, vừa thanh thoát. Một bước chân vào chùa, bạn như được ngược dòng thời gian, chạm vào những giá trị tinh thần trường tồn cùng năm tháng.

Điều làm nên nét độc đáo của Chùa Bà Thiên Hậu chính là sự giao hòa tinh tế giữa ba dòng kiến trúc: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Mỗi chi tiết, dù nhỏ nhất, đều góp phần tạo nên một công trình vừa đồ sộ, vừa tinh tế, kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại và những giá trị truyền thống lâu đời.

Ngay từ khoảnh khắc đặt chân đến cổng chùa, bạn sẽ lập tức bị choáng ngợp bởi chiếc cổng lớn với kiến trúc đa vòm ấn tượng, được nâng đỡ bởi những cột trụ đỏ rực — màu sắc tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn trong văn hóa Á Đông.

Không gian chùa được chia thành nhiều khu vực, mỗi tầng mang một chức năng riêng biệt:

  • Tầng 1 (Tầng trệt): Nơi bạn có thể ghé thăm các quầy lưu niệm đầy màu sắc hoặc thưởng thức những món chay thanh đạm trong không gian yên bình.
  • Tầng 2: Hội trường đa năng, nơi thường xuyên diễn ra các lễ cưới truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Malaysia.
  • Tầng 3: Khu văn phòng chuyên phục vụ đăng ký tiệc cưới và các sự kiện văn hóa.
  • Tầng 4: Không gian linh thiêng nhất — phòng cầu nguyện, nơi diễn ra các nghi lễ thờ phụng hằng ngày, với hương trầm lan tỏa và không khí trang nghiêm bao trùm.

Dù được trang trí bằng nhiều gam màu rực rỡ, tổng thể kiến trúc của Chùa Bà Thiên Hậu vẫn lấy sắc đỏ và vàng làm chủ đạo — từ mái ngói uốn cong cho đến những hàng cột trụ, kèo ngang vững chãi. Một vài chi tiết chạm khắc tinh xảo như tấm phù điêu giữa lối đi hay các thanh diềm dưới mái được tô điểm bằng những màu sắc khác, khéo léo tạo điểm nhấn, làm nổi bật vẻ đẹp công phu và tinh tế của ngôi chùa.

Điều đặc biệt khiến Chùa Bà Thiên Hậu níu chân du khách chính là hàng trăm, hàng nghìn chiếc đèn lồng đỏ treo rợp khắp khuôn viên. Khi màn đêm buông xuống, từng chiếc đèn lần lượt được thắp sáng, nhuộm cả không gian trong một màu đỏ ấm áp, huyền diệu. Đứng từ tầng 4 nhìn xuống, cảnh tượng ấy hiện ra như một biển sao rực rỡ giữa trần thế, vừa lung linh, vừa đẹp đến nao lòng.

Mỗi bước chân tại Chùa Bà Thiên Hậu như một hành trình ngược dòng thời gian, chạm vào những nét đẹp văn hóa sâu sắc và tinh thần tâm linh vững bền của cộng đồng nơi đây.

  • 12h30, nhóm Kame rời Chùa Bà Thiên Hậu, ghé quán Canokopi ăn trưa rồi trở về khách sạn nghỉ ngơi. Cả nhóm đã có một buổi sáng rong ruổi dưới nắng nên ai cũng thấm mệt, chỉ mong một giấc ngủ ngắn để hồi sức.
  • Khoảng 4h chiều, mình có hẹn bạn tại Cộng Cà Phê trong trung tâm thương mại Eslite Spectrum — may mắn là nơi này ngay sát khách sạn, chỉ cần đi bộ vài bước là tới. Không gian ở đây yên tĩnh, mộc mạc, rất hợp để thư giãn sau những giờ lang thang dưới trời nắng.
  • Buổi chiều và tối hôm đó, bạn dẫn mình đi shopping “xả láng” ở Pavilion — trung tâm thương mại khổng lồ, đẹp lung linh với vô vàn món ăn ngon và cực kỳ đa dạng. Cảm giác nơi đây như một Vincom phiên bản rộng lớn và rực rỡ hơn rất nhiều. Khắp khu mua sắm tấp nập người qua lại, đúng dịp cuối năm nên đã bắt đầu trang hoàng Giáng sinh, ánh đèn lấp lánh khắp nơi, không khí vừa rộn ràng vừa ấm áp, lại đậm sắc màu văn hóa.
  • Kết thúc buổi tối, Kame chọn ăn tối ngay trong trung tâm thương mại, thử vài món đặc sản Malaysia được bạn giới thiệu — hương vị khá hợp khẩu vị, vừa lạ vừa thân quen. Tranh thủ, mình cũng ghé siêu thị mua ít đồ ăn khuya và thêm vài món quà nhỏ mang về.

Vậy là khép lại ngày thứ 3 ở Kuala Lumpur — một ngày ngập tràn những hương vị, sắc màu và những niềm vui nhỏ bé đầy ắp trong hành trình.

##Ngày 4: Kuala Lumpur-Hochiminh city:

Sáng hôm ấy, 8h, cả nhóm thức dậy, thong thả đi bộ ra khu phố người Hoa gần khách sạn — chỉ cách vài dãy nhà thôi — để tìm điểm tâm sáng. Những hàng quán nhỏ xinh, đông đúc người bản xứ tạo nên một bầu không khí sống động như thể đang lạc bước ở Hong Kong. Ngồi thưởng thức một tô mì nóng hổi, nghe tiếng nhạc Hoa vang lên trong không gian ấm cúng, mình bỗng thấy thời gian như trôi nhanh hơn, mọi thứ đều thật thân quen và bình yên.

Vì chuyến bay về Việt Nam cất cánh lúc 2h chiều, nên 11h cả nhóm làm thủ tục check-out khách sạn rồi gọi Grab thẳng ra sân bay.

Mẹo nhỏ: Nếu bạn chưa kịp mua quà, đừng lo — khu sân bay ở Kuala Lumpur có đầy đủ các loại đặc sản, từ socola đến quà lưu niệm, giá cả lại hợp lý, rất tiện để chọn mua vào phút cuối.

Một vài lưu ý:

  • Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nằm ở múi giờ GMT+8 nên thời gian sẽ sớm hơn giờ Việt Nam 1 tiếng.
  • Đồng tiền được sử dụng ở KL là Ringit và 1 Ringit (RM) = 5.750VND (tùy thời giá)
  • Đi lại ở Kuala Lumpur chủ yếu bằng Grab và thấy giá Grab ở đây rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Chú ý tránh đi vào các giờ cao điểm như lúc 9h – 10h và 18h – 19h vì lúc này thường bị kẹt xe
  • Nếu bay hãng AirAsia, ngay cửa vào khu vực hải quan có đặt sẵn cân kiểm tra hành lý xách tay. Nếu vali và túi của bạn vượt quá 7kg, nhân viên sẽ yêu cầu quay lại quầy để mua thêm hành lý ký gửi — không thể lách được đâu nhé!

Vậy là hành trình khám phá Kuala Lumpur tạm khép lại.
Tạm biệt KL, hẹn gặp lại Malaysia, Penang, Borneo trong những chuyến đi tới — những miền đất còn đang vẫy gọi…