Kinh nghiệm khám phá Đài Loan tự túc
Không chỉ đơn thuần chỉ là một hòn đảo, Đài Loan hay còn có tên khác là llha Formosa, có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”- khiến bạn sẽ bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, gặp gỡ những người bản địa dễ mến, khám phá nền văn hóa cổ truyền rực rỡ sắc màu, ngắm nhìn những thành phố hiện đại, chìm đắm mua sắm tại những ngôi chợ đầy ắp hàng hóa nhộn nhịp về đêm.
Hãy cùng Kame khám phá hành trình 6N5Đ mục sở thị bộ phim “Đời Sống Chợ Đêm” tại đảo quốc xinh đẹp -Đài Loan nhé!
- Thông tin chung:
- Đài Loan có diện tích khoảng 36.000 km2, nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc, giáp với Thái Bình Dương.
- Đài Loan có 4 sân bay quốc tế đó là sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Bắc), sân bay quốc tế Cao Hùng (thành phố Cao Hùng), sân bay Đài Trung và sân bay Tùng Sơn Bắc ( Đài Bắc)
- Đã từ lâu Đài Loan nổi tiếng với danh hiệu toàn cầu về ngành công nghiệp điện tử giá rẻ.
- 2/3 lãnh thổ chủ yếu ở phía đông là các vùng đồi núi hiểm trở, có tới 5 dãy núi chạy từ bắc xuống nam của đảo. Đồng bằng tập trung ở phía tây và cũng là nơi sinh sống của hầu hết cư dân Đài Loan.
-Văn hóa Đài Loan là một sự pha trộn của nhiều dòng khác nha
-Đài loan thuộc khu vực khí hậu cận nhiệt đới có nhiệt độ trung bình từ 25-28 độ C chia làm bốn mùa rõ rệt: Mùa xuân từ tháng 3-4, Mùa hạ từ 5-9, Mùa thu từ tháng 10-11, Mùa đông từ tháng 12-2. - Văn hóa Đài Loan là một sự pha trộn của nhiều dòng khác nhau: Trung, Nhật, phương Tây
2 Nên đi ĐÀI LOAN vào thời gian nào?
Vì du lịch Đài Loan phải di chuyển rất nhiều nên mọi người nên chọn mùa Xuân và Thu là lúc thời tiết tốt để du lịch.
- Mùa Xuân (tháng 3 – 4): Nền nhiệt thấp nhất khoảng 15 độ C, cao nhất 27 độ C, lạnh vào buổi sáng và tối, ban ngày thời tiết ấm hơn.
- Mùa Thu (tháng 9 – 11): Thời tiết đẹp, ít mưa, trời trong xanh, mát mẻ, nhiệt độ từ 22 – 25 độ C.
- Mùa Hè (tháng 5 – tháng 8): Nhiệt độ cao, tiết trời nóng ẩm với nhiệt độ từ 25 – 35 độ C, mùa này là mùa bão nên hay có những trận mưa lớn.
- Mùa Đông (tháng 12 – tháng 2): Thời gian này không khí tương đối khô và nhiều sương mù, nhiệt độ thấp hơn 20 độ C, thường từ 13 – 19 độ C, đôi khi có xuất hiện những cơn mưa nhỏ.
3. Phương tiện di chuyển?
✈️ Máy bay: có rất nhiễu hãng bay từ Hà Nội/HCM đến Đài Loan:
Từ Hà Nội bay đến Đài Loan sẽ nhanh hơn xuất phát từ HCM. Cụ thể HN-Cao Hùng chỉ 3h10′, còn HN-Đài Bắc thì 3h40′. Còn HCM-Cao Hùng thì khoảng 3h40′, HCM- Đài Bắc thì tầm 4h15′.
Bên cạnh đó còn có nhiều chuyến transit tại Hongkong thì sẽ mất thời gian dài hơn từ 5-12h tùy vé.
Các hãng bay nổi tiếng đến Đài Loan từ Việt Nam như:
+Vietnam Airline+Vietjet Airline
+Eva Air
+China Airline
+Cathay Pacific Airways
🛵 Xe máy: có thể thuê xe máy chạy khắp nơi nếu có bằng lái quốc tế và đủ tự tin chạy xe đua chung với mấy bạn Đài Loan.
🚗 Taxi: di chuyển các nơi trung tâm, gần thì dùng chứ giá mở cửa taxi bên này rất cao, thêm vào nữa là máy nhảy số vô tội vạ. Tài xế thì cũng nhiều người “thú vị lắm”
🚗 Ô tô: phương án thuận lợi nhất để đi các diểm xa trung tâm và nếu đi nhóm bạn từ 4 người trở lên thì nên thuê ô tô riêng, vừa an toàn, vừa tiết kiệm lại chủ động thời gian. => Mình thuê trên trang #ĐặtxeDailoan
MRT: Phương tiệng di chuyển ngon bổ rẻ thuận tiện nhất ở Đài Loan. Chỉ cần bật app GG map lên là có thể đi
Bus: đi bus ở Đìa Loan khá rẻ và thuận tiện nhưng chờ khá lâu, nếu không rành có thể đi nhầm chuyến mất thời gian quay lại.
THSR: là tuyến đường sắt cao tốc chạy khoảng 350 km, dọc theo bờ biển phía tây của Đài Loan, dành cho ai di chuyển từ Cao Hùng, qua các tỉnh tới Đìa Bắc và ngược lại. Giá cả hơi cao nhưng đi rất nhanh, an toàn, sạch đẹp
4. Lưu trú ở đâu?
Tùy lịch trình book hostel/hotel phù hợp. Lưu ý nên book gần các trạm MRT hoặc chợ đêm để thuận tiện di chuyển.
- Khách sạn ở Cao Hùng giá khá rẻ, đẹp, sạch, dịch vụ tốt, nói tiếng Anh tốt, có nơi nói được tiếng Việt vì khách Việt du lịch nhiều. Giá dao đồng từ 700k-1200k bao gồm ăn sáng
=> Cloud Hotel Kaohsiung: No. 18號, Minzhu Rd, Xinxing District, Kaohsiung City, Taiwan 800 thông qua booking, không cần charge trước. Thanh toán khi nhận phòng. chỗ này ok lắm
- Khách sạn ở Đài Bắc thì giá cao hơn và tiện nghi không thể so với Cao hùng nếu chọn cùng giá. Mình đã chọn hostel phòng dorm khép kín gần Main Taipei Station để thuận tiện di chuyển và tiết kiệm chi phí, tuy nhiên vẫn đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Có bao gồm ăn sáng nhưng chỉ 1 món duy nhất sandwhich là free thôi.
=>Flip Flop Hostel – Garden: No. 122號, Chang’an W Rd, Datong District, Taipei City, Taiwan 103
Review lịch trình: 🧚🧚🧚
Ngày 1: Tp.HCM-Hongkong-Cao Hùng
– Mình bay trưa từ HCM quá cảnh Hongkong (sân bay Hongkong rất là rộng và đẹp, công nghệ và hiện đại) và sau đó tầm 6h tối là tới Cao Hùng. Nhập cảnh dễ dàng, hải quan rất dễ thương, nhân viên sân bay nhiệt tình. Vì đã đặt mua sim trên Klook nên mình vừa ra khỏi cửa là thấy ngay quầy của Chunghwa, chỉ việc đưa mã code đặt hàng cho họ và điện thoại thì họ sẽ gắn sim vào cho mình. Sim có giới hạn ngày tùy theo lịch trình, nhưng sóng mạnh và data không giới hạn. Recommend mọi người nên mua 1 sim, khỏi mua cục phát wifi chi cho cồng kềnh, cứ mỗi người 1 sim xài thoải mái.
– Sau đó ghé cửa hàng tiện lợi trong sân bay mua thẻ Easy Card, nạp vào 100 tệ rồi ra khỏi cửa sân bay rẽ trái sẽ tới trạm tàu MRT, cứ quẹt thẻ Easy card mà đi tàu điện ngầm về trung tâm tp Cao Hùng check in khách sạn thôi. Tối tp Cao Hùng nên check in cái trạm Formosa Boulevard, rất đẹp nha.
*** Cái thẻ easy card này quyền năng lắm, nếu mọi người ở lại Đài Loan nhiều ngày và phải di chuyển nhiều thì nên mua 1 cái, xài hết tiền thì top up (nạp tiền) thêm vào, dùng đi xe bus, MRT, mua hàng trong các cửa hàng tiện lợi, ngon-bổ-rẻ. Trừ THSR phải mua vé thì còn lại dùng chiếc thẻ vạn năng này là đủ.
-Check in khách sạn, tắm rửa lên đồ ra chợ đêm LiuHe (Lục Hợp) để ăn tối. Ở Đài Loan đa phần mọi người đều ăn ngoài nên các chợ đêm rất phát triển. Chợ đêm Liuhe có bán đủ loại thức ăn từ món ăn Đài Loan cho đến món của người Hoa. Nói chung là cứ dạo 300m chợ là không thiếu đồ ăn thức uống. Sẽ có bài review chi tiết cho từng chợ ở Đài Loan.
-12h đêm, quay về khách sạn nghỉ ngơi.
Ngày 2: Phật Quang Sơn(Fo Guang Shan)- Đài Bắc (Taipei) – Chợ đêm Ximending (Tây Môn Đình)
– Có 2 tuyến xe buýt chính để tới Phật Quang Sơn: EdaBus 8501 (Điểm lên xe buýt là cột số 3 (Bus Platform 3). Giá vé: NT$65. Và E02 Harvard Express (哈佛快線) Điểm lên xe buýt là cột số 2 (Bus Platform 2). Giá vé: NT$70.
Cả 2 tuyến đều cùng điểm đầu THSR Zuoying Station (高鐵左營站) và điểm cuối là Phật Quang Sơn
Tuy nhiên mỗi chuyền bus phải đợi rất lâu, và nếu quá đông tài xế sẽ không rước khách nữa đi nhóm từ 3-4 người trở lên thì nên thuê hẳn xe đi về cho chủ động, giá chia ra cũng không đắt, lại còn được trải nghiệm “trả giá” với các bác tài xế taxi nữa.
Phật Quang Sơn(Fo Guang Shan)
Phật Quang Sơn Tự hay còn gọi là chùa Phật Quang Sơn tọa lạc ở đường Đồng Lăng, quận Đại Thụ, thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Đây là tu viện Phật giáo lớn nhất ở Đài Loan, hiện đang có hơn 300 nhánh tu viện nhỏ và là một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất tại xứ Đài. Ngôi chùa được thành lập vào năm 1967 do sư Tịnh Vân, một nhà sư nổi tiếng của thế kỷ 20. Người đã dẫn các đệ tử của mình đến nơi đây và xây nên ngôi chùa sau 9 năm ròng rã. Ban đầu, đây là một ngôi chùa ít được biết đến, nhưng trải qua quá trình phát triển, nó đã trở thành một điểm đến tâm linh không thể thiếu trong bất kỳ tour du lịch Đài Loan nào.
Kiến trúc của Phật Quang Sơn được lấy cảm hứng từ Bảo tháp Ấn Độ và Đền Mahabodhi tại địa điểm tôn giáo Boshgaya ở thủ đô Phật giáo của thế giới. Đại Phật Ngồi có chiều cao 108m, được đúc bằng đồng và hiện là tượng Phật cao nhất trên thế giới. Phần thân của bức tượng này chứa 100.000 bản Tâm Kinh được viết bởi hàng trăm Phật tử trên khắp thế giới.
-Nếu sau khi đi Phật Quang Sơn mà mọi người còn sức thì đi thêm Đầm Liên Trì, khá gần trung tâm Cao Hùng. Mình thì mất thời gian buổi sáng nên chỉ kịp về trả phòng và ra ga để di chuyển về Đài Bắc. * Vé tàu cao tốc THSR mình mua trên Klook có nhiều khuyến mãi hơn mua tại chỗ, chỉ việc mua trên Klook rồi làm theo hướng dẫn check in chọn giờ sẵn rồi ra tới nhà ga THSR đưa passport thì người ta xuất vé thôi.
-Về đến Đài Bắc thì cũng tầm 6h hơn, check in hostel rồi tắm rửa thì xuất phát đi chợ đêm Tây Môn Đình. Chợ đêm này nổi tiếng nhất Đài Bắc, rất rộng lớn và sạch sẽ nha, chắc là phục vụ khách du lịch nhiều nên nhìn sạch đẹp chỉnh chu hơn mấy chợ khác. Di chuyển đến chợ từ hostel thì có thể đi bộ hoặc đi taxi đều được.
Ximending Night Market: Chợ đêm Tây Môn Đình
Mặc dù thường được gọi là chợ đêm Ximending nhưng thực chất chợ không mang những đặc điểm đại diện cho một chợ đêm của Đài Loan. Nó gọi là khu chợ đêm đơn giản vì nó “sinh hoạt” và trở nên nhộn nhịp vào ban đêm
Do phong cách Nhật thấm nhuần khắp mọi hang cùng ngõ hẻm nơi đây, Ximending được mệnh danh là “Harajuku Đài Bắc” hoặc “Shibuya Đài Bắc”. Du khách dễ dàng tìm nhiều món quần áo Nhật ở đây. Ximending có đầy đủ từ cửa hàng giày và phụ kiện đến cửa hàng bách hóa, túi tự thiết kế, văn phòng phẩm và những đồ lặt vặt khác. Có cả cửa hàng xà phòng và son dưỡng hữu cơ. Đặc biệt kể đến là ẩm thực.
👍 Cá nhân mình thấy Tây Môn Đình sạch sẽ, văn minh, bán quần áo đẹp, giá hợp lý, đồ ăn thì tạm thôi (trừ mấy nhà hàng lẩu khá ngon). Đêm về nhộn nhịp, ai mê mấy anh 6 múi thì nên ghé đây dạo vì đêm nào cũng có mấy anh đứng trình diễn 🤭🤭🤭 Cuối tuần còn có các màn trình diễn thời trang cosplay nghiệp dư của lớp trẻ.
Lưu ý nên book phòng gần trạm Taipei Main Station để thuận lợi di chuyển đến các nơi du lịch.
12h về khách sạn ngủ nghỉ
Ngày 3: Công Viên Dương Minh Sơn (Yangmingshan) – Chợ đêm Sĩ Lâm (Shilin):
Công Viên Dương Minh Sơn (Yangmingshan)
Một trong những Công viên Quốc gia đẹp nhất Đài Loan
📍Địa chỉ: Jhuzihhu Rd, Beitou District, Đài Bắc 112, Đài Loan (cách Đài Bắc 21km)
🚕🚌 Di chuyển: bằng taxi hoặc xe bus (kết hợp đi chợ đêm Shilin)
Với địa hình núi lửa đặc thù hòa cùng thung lũng yên bình, thơ mộng Yangminshan tập hợp nhiều công viên, các cung đường mòn, hệ động thực vật đa dạng phong phú và những suối nước nóng nổi tiếng thế giới.
Khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh nhiều sương khói bởi màu trắng của lưu huỳnh bốc lên từ các lỗ thoát khí nên trông quang cảnh lúc nào cũng rất là thơ mộng
Khách du lịch thì hay đến công viên này vào các mùa hoa như anh đào (xuân), hoa calla lily, hoa cẩm tú cầu (hạ), lá phong (thu), đổ quyên… Còn dân địa phương yêu thích thiên nhiên thì hay đi bộ leo núi, đạp xe đạp theo các đường mòn dành riêng hoặc trekking. Hoặc là tắm suối nước nóng.
Ăn uống: lời khuyên là nên mang theo đồ ăn để ăn ngon và rẻ. Còn nếu lỡ đường thì có thể ghé 1 số hàng quán ở dọc các điểm nổi tiếng trong công viên.
Nói chung đi công viên Yangminshan thì chi phí không đắt nhưng mà tốn rất nhiều thời gian di chuyển. Một số nơi nên đến ở Công Viên Dương Minh Sơn:
- Yangmingshuwu – Văn phòng của cựu Tổng thống Chiang Kai Shek
- Hồ Tre – Zhuzhihu (Bamboo Lake) –nhất định phải ghé nha.
- Cao nguyên Qingtiangang: phải ghé nha, rất đẹp
- Đường mòn Erzhiping (Đây là một con đường có rất nhiều bướm vào tháng 5 và tháng 6)
- Xiaoyoukeng – Đây là một hố phun lưu huỳnh trên Núi Qixing. Tại đây lưu huỳnh được phun ra quanh năm
- Lengshuikeng: Suối nước nóng này có màu trắng sữa do hàm lượng lưu huỳnh trong nước rất cao.
- Hồ Meng Huan (Sông Songluo) – Còn được gọi là Hồ Seventeen. Đây là điểm đến yên tĩnh và có khung cảnh mờ ảo tuyệt đẹp. Bạn có thể đi xe bus 108 và xuống xe tại điểm dừng Lengshuikeng rồi đi bộ tầm 10 phút.
Cách đi:
Đi MRT Jiantan station, Exit 1 và đi bộ đến trạm xe bus bên trái, đón xe bus R5 hoặc S17, S15… đi đến Yangmingshan Station, tại đây đón shuttle bus đi tiếp trong khu vực công viên. Lưu ý: xe bus
trong Yangmingshan dừng ở rất nhiều trạm, nên tra trước tên trạm và nghe thông báo trước khi xuống xe.
Vì công viên này rất rộng và nhiều điểm dừng để tham quan, các điểm lại cách xa nhau nên mọi người chỉ nên chọn 1 vài điểm tiêu biểu để ghé thôi, cho kịp chuyến bus muộn 5h chiều về trung tâm thành phố.
=> Sẽ có bài viết riêng chi tiết về công viên này.
Ngay trạm Shilin mà xe bus thả xuống thì đi bộ qua đường chính là chợ đêm Sĩ Lâm. Mọi người nên sắp xếp lịch trình kết hợp đi cùng công viên Dương Minh Sơn, Bảo Tàng Cố Cung và chợ đêm Sĩ Lâm luôn để thuận tiện.
Shilin Night Market: Chợ đêm Sĩ Lâm
Cách đi MRT đến chợ Sĩ Lâm: MRT chuyến Danshui và xuống ở ga Jiantan, ra exit 1, nhìn bên trái đường đi bộ tầm 5 phút là tới chợ.
👍 Đây là chợ đêm đông nhất Đài Bắc, rất rất đông khách du lịch trong khoảng tầm 8,9h tối. Chợ đêm này có khu buôn bán dưới mặt đất và khu bên trên. Để mà đi hết cái chợ này chắc mất 5-6 tiếng. Bán đủ các thể loại ăn uống từ ăn vặt tới ăn no. Dĩ nhiên là nhìn nó không có sạch sẽ như chợ Tây Môn Đình nhưng đồ ăn phong phú hơn.
Những món nên ăn là xúc xích nướng, trà sữa, gà rán, mực nướng, nấm nướng… Còn mấy món review trên các trang du lịch thì nói thật ăn không thấy ngon gì cả. Giá cả rẻ, đồ ăn phong phú. HƠN 500 gian hàng cho mọi người đi bộ tham quan.
Ngoài ra ai có thời gian thì đi thêm Bảo tàng cung điện Quốc gia (có phí), Cảng biển Đàm Thủy (Tamsui), Chùa Long Sơn….
Ngày 4: Công Viên Dã Liễu (Yeliu) – Làng Cổ Cửu Phần Thập Phần (Jiufen-Shifen):
Cách đi: Để đến được công viên địa chất Dã Liễu, có thể lựa chọn đi xe buýt từ ga Đài Bắc, ô tô hoặc tàu hoả xuất phát từ ga Songhan và ga Taipei đến Keelung. Thường mọi người sẽ kết hợp thăm công viên Dã Liễu cùng với trải nghiệm phố Cửu Phần và Thập Phần trong ngày.
Nếu lựa chọn di chuyển bằng xe buýt thì có 3 cách để đến được công viên Dã Liễu:
Cách 3: Bạn bắt xe đi Jinshan tại trạm Tamshui, xuống xe tại trạm Yehliu. Xe bắt đầu khởi hành từ 5h50 sáng, cứ mỗi 30 phút sẽ có một chuyến và chuyến cuối trong ngày là vào 22h20.
Cách 1: Bạn bắt xe buýt đi Trung tâm hoạt động thanh niên Jinshan của công ty Kuo-Kuang tại cổng số 3 nhà ga chính Đài Bắc. Chuyến đầu tiên xuất phát vào lúc 5h40 sáng và chuyến cuối trong ngày là lúc 23h00, cứ 20 phút sẽ có một chuyến.
Cách 2: Bắt xe tại trạm Keelung (gần ga Keelung), chuyến đầu tiên là vào 5h40 sáng, cứ 10 phút sẽ có một chuyến và 22h40 sẽ là chuyến cuối cùng trong ngày.
Lời khuyên chân thành là mọi người nên đặt xe riêng nguyên ngày để đi cung này vì các đĩa điểm đều cách trung tâm Đài Bắc khá xa. Nếu di chuyển bằng xe bus sẽ bị mất rất nhiều thời gian chờ đợi và có thể đi nhầm xe nếu không quen. Vậy sẽ mất thời gian dạo chơi.
Mình đặt xe 5 chỗ, 10 tiếng trên trang #Đặt_xe_tại_Đài_Loan Trang này khá uy tín, bạn admin rất nhiệt tình tư vấn, và tài xế chọn lọc lịch sự, chạy xe ổn, tùy tài chính mà chọn tài xế nói tiếng Anh, tiếng Hoa hay Hàn, Nhật. Mình chọn tài xế Đài Loan vì thật ra có mấy bạn bên trang admin tạo group nếu chúng ta trao đổi mà tài xế không hiểu.
Công viên địa chất Dã Liễu (Yeliu)
Công viên địa chất Yehliu (Dã Liễu) toạ lạc gần điểm cực Bắc của đảo Đài Loan. Công viên này có chiều dài khoảng 1.700m, chỗ rộng nhất khoảng tầm 300m nằm lọt thỏm trong thị trấn nhỏ Vạn Lịch (Wanli Town) của thành phố Tân Bắc và Đài Bắc. Bờ biển nơi này dài đến gần 2.000m tiếp giáp với Thái Bình Dương hướng về phía của Nhật Bản.
oạ lạc trên mỏm núi lửa đã tắt nguội từ lâu, những phiến đá nơi đây là sự kết tinh của nhũ đá, mang đến một cảnh tượng độc đáo quá đỗi kinh ngạc. Thông qua sự bào mòn của phong hoá mà những tảng đá nơi đây như những tác phẩm nghệ thuật do “nghệ nhân” thiên nhiên tạo nên.
Công viên Dã Liễu thì thật ra khá giống Hang Rái ở Việt Nam mình, tuy nhiên cái cách mà người Đài làm du lịch và bảo tồn xứng đáng để chúng ta học hỏi. Chỗ này sẽ mua vé nha, mùa hè nên rất là nắng luôn nhưng lại chụp ảnh rất đẹp. Ngay đấy có khu chợ bán rất nhiều đặc sản ngon, có thể mua về làm quà. (đặc biệt là chà bông cá)
Cửu phần (Shifen):
Là một ngôi làng nhỏ tọa lạc trên ngọn núi Keelung cách Taipei khoảng 50km. Làng cổ nhỏ bé này có từ thời nhà Thanh, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cho đến thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, người ta mới phát hiện ra nó.
Sở dĩ có cái tên Cửu Phần bắt nguồn từ việc ngôi làng cổ này chỉ có 9 hộ gia đình sinh sống, khi ra ngoài mua hàng hóa hoặc thức ăn đều phải đem đủ 9 phần về cho 9 gia đình. Tuy ngày nay dân số Jiufen đã tăng lên khoảng 4.000 hộ gia đình, nhưng vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ mang dấu ấn kiến trúc từ thời Nhật cai trị.
Khắp nơi đều được treo đèn lồng đỏ, không khí thường náo nhiệt vào buổi chiều. Đây còn được mô tả là thiên đường ăn vặt với rất đa dạng món ăn tuy nhiên Kame thử qua thì thấy không đặc sắc lắm. Nói chung là khá đẹp chụp ảnh sống ảo. Cá nhân thì mình thấy nó không bằng Phượng Hoàng Cổ Trấn vì quy mô nó nhỏ nhưng mà cũng có những cái nét đẹp riêng.
👍 Nên mua bánh quy ở đây về làm quà nhé, rất là ngon, không quá béo nhưng thơm.
Thập phần (Jiufen):
Thập Phần gợi cho người ta cảm giác của một khu phố trong các bộ phim Trung Quốc. Gồm một khu phố nhỏ gồm những con hẻm và lối đi dọc ga tàu, cạnh đó lại là những hàng quán đủ màu đủ sắc. Tới đây, cái độc đáo nhất chính là thả đèn trời – Khổng Minh Đăng.
Tập tục thả đèn trời đã xuất hiện từ rất lâu ở Shifen. Tương truyền, nơi đây thường xuyên bị cướp tấn công, khiến họ phải di tản lên núi để tránh nạn. Sau một vài ngày, những người đàn ông khỏe mạnh nhất trong làng sẽ xuống núi để thăm dò tình hình, nếu bọn cướp đã rời đi thì họ sẽ thả đèn trời để gọi dân làng về. Tuy nhiên hiện nay đã thành tập tục thả đèn trời cầu phúc.
Mình nể cái cách người Đài làm du lịch thật. Ban đầu, Phố cổ Thập Phần xuất phát từ một thị trấn nhỏ được xây dựng nhằm phục vụ cho việc vận chuyển than. Tuyến đường sắt Pinghsi sau đó cũng hình thành và đi qua khu vực Rui Fang cùng quận Pingxi, Shifen được đánh dấu là điểm dừng chân thứ ba trên tuyến đường sắt này. Cái đường rày tầm 300m thôi mà họ phát triển thành một điểm nhấn du lịch không thể bỏ qua khi bất kỳ ai đến Đài Bắc, Đài Loan. Dĩ nhiên không thể so sánh Phố đường tàu Phùng Hưng ở Hà Nội và phố đường tàu Thập phần vì khác biệt hẳn về địa hình và sự an toàn nhưng quả thật là phải khen người Đài trong việc biến cái giản đơn thành điểm đặc biệt.
-Nên canh sao đi tới Thập phần tầm chiều tối để thả đèn trời. thiệt luôn đây là chỗ mình thấy vui vẻ nhất nguyên 1 ngày, cái đường rày xe lửa ngắn ngủn mà người ta làm du lịch thấy mê, mua cái đèn lồng viết câu ước lên rồi thả lên trời thôi mà nó thú vị ghê, đặc biệt người chụp ảnh tại chỗ mua đèn rất chuyên nghiệp và ổng nói tiếng Việt, (do khách Việt đi nhiều quá). Chụp ảnh siêu có tâm
Về đến khách sạn tầm 7h tối, tắm rửa và đi ăn thịt nướng gần nhà vì 1 ngày quần quật bên ngoài khá thấm mệt rồi không đi chợ đêm nổi nữa
Ngày 5: Tháp Taipei 101 – Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) – Đàm Thủy (TamSui) – Chợ đêm Nhiêu H2 (Raohe) hoặc Tây Môn Đình (Ximending)
Taipei 101 Tower: Tháp Đài Bắc101
Tháp Đài Bắc101 (giống kiểu Bitexco của VN mình ấy): Taipei 101 nổi tiếng là tòa tháp cao nhất thế giới năm 2004, đến năm 2010 thì nhường vị trí này lại cho tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai. Bên trong tòa tháp có một quả cầu kim loại khổng lồ nằm lơ lửng giữa tầng 88 &89, nó có vai trò giữ cân bằng cho tòa nhà trong những trận địa chấn lên đến 7 độ Richter và cả những cơn cuồng phong với sức gió hơn 216 km/g. Taipei 101 được lặp đặt tới 61 thang máy, trong đó có 2 cái vận hành với vận tốc cực nhanh (1.010 m/phút). Bên trong Taipei 101 có trung tâm thương mại mua sắm, nhà hàng cafe ăn uống. Nếu muốn mua vé lên tầng cao thì nên đi ban ngày chứ đêm thì sương mù nhiều không thấy rõ gì bên ngoài đâu.
Cách đi: Đi MRT Line đỏ chiều đi tới Xiangshan rồi xuống Exit 4 hoặc Exit 1 là tới chân tháp. Ngay chân tháp có nhà hàng Ding Tai Fung. Nếu mà mọi người có thời gian và thích khám phá thì mua vé hơn 400k lên tháp 101 ngắm Đài Bắc. Mình thì chỉ chụp check in để di chuyển đến đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch.
Chiangkaisek – Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch:
Cách đi: có 2 cách đi MRT đến đây:
+đi từ trạm Taipei Main Station chọn Tamsui line (line đỏ) tới trạm Chang Kei-shek Memorial Hall và ra tại Exit 5.
+đi từ trạm Ximen MRT Station thì chọn Green line (line xanh)
-Nơi đây mở cửa tự do không tốn phí.
Trong khuôn viên của đài tưởng niệm có hai kiến trúc quan trọng khác là Nhà Hát quốc gia (National Theater) và Trung Tâm Hòa Nhạc quốc gia (National Concert Hall).
Nhà tưởng niệm đẹp tráng lệ khi về đêm khi được thắp sáng với hàng ngàn bóng đèn nên ai có dịp thì ghé đây vào buổi tối.
😭😭 Hôm mình đi ngay ngày kỷ niệm nên hàng nghìn người mặc đồng phục áo xanh quần trắng (giống đài tưởng niệm) hội tụ về làm lễ nên mình không vào được khu bên trong. Bù lại tham quan chụp ảnh bên ngoài cũng rất đẹp có điều nắng lắm nên phải mang ô dù với mũ nón 😰
Sau khi chơi bời xong thì ra MRT về khách sạn nghỉ ngơi 1 chút. Buổi chiều còn sức thì đi MRT line đỏ tới trạm cuối cùng Tamsui luôn. Chỗ này như 1 bến cảng nhỏ vậy, cũng có phố cổ, là nơi ngắm hoàng hôn và cho ra nhiều kiểu ảnh của thập niên 80 đó. Ăn tối ở đây luôn cũng ok. Nhưng mà mình chấp niệm với quán lẩu ở chợ Tây Môn Đình nên dành thời gian cho chợ đêm Ximending.
Ngày 6. Đài Bắc – Sân bay Đào Viên – Hongkong- HCM
Ăn sáng xong check out phòng tầm 9h đi MRT line tím đến trạm nhà ga T1 của sân bay Đào Viên, thời gian di chuyển khoảng 45 phút nên mọi người tranh thủ sắp xếp thời gian nhé.
MỘT VÀI LƯU Ý CHO MỌI NGƯỜI:
Về VISA:
- Visa: Có 2 cách để bạn xin được visa đó là e-visa (xin visa online qua mạng) miễn phí=>hãy truy cập vào trang web https://niaspeedy.immigration.gov.tw, chọn ngôn ngữ phù hợp sau đó điền thông tin theo mẫu có sẵn và gửi trực tuyến đến bộ nội chính để được xét duyệt. => Ai thắc mắc về visa có thể inbox Kame hướng dẫn.
- Nếu thành công, bạn sẽ nhận được một giấy chứng nhận visa qua email, hãy in giấy chứng nhận ra và đó là visa hợp pháp cho bạn xuất nhập cảnh.
- Visa dán: Đối với người chưa từng đi các nước như Hàn, Anh, Nhật, Mỹ, Úc, EU… hoặc chưa từng đi nước ngoài hoặc xin e-visa không được duyệt =>hãy đến các văn phòng đại diện được ủy quyền để được tư vấn và hỗ trợ làm visa nhưng bạn sẽ phải mất phí.
Những lưu ý khác:
- Trang phục: Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi và chỉ nên tin 50% thôi. Nên chọn trang phục gọn nhẹ vì di chuyển khá nhiều. Nếu đi núi thì nên có 1 cái áo khoác giữ ấm.
- Thuốc: Bạn cần mang thuốc xịt côn trùng, thuốc chống say (nếu đi ô tô), thuốc đau đầu, đau bụng, băng gạc… để chuyến đi an toàn hơn.
- Các loại giấy tờ và hành lí: Luôn mang passport và giấy tờ tùy thân bên người. Kiểm tra thật kỹ trước khi di chuyển tránh bị lạc/quên. Mất pp là coi như xong luôn.
- Bạn nên đặt trước các tiện ích du lịch như xe đưa đón và các phương tiện liên lạc khi đến Đài Loan, đặt biệt là khi đi tự túc không có sự hỗ trợ theo đoàn hoặc của hướng dẫn viên. Mấy cái này đặt trên Booking, Klook là xong, rất rất tiện lợi
- Nên chuẩn bị sẵn tiền mặt để có thể chủ động và thoải mái mua sắm tại Đài Loan hơn. Nên mang theo tiền lẻ khi đi chợ, và nhớ trả giá khi mua hàng vì nhiều tiểu thương sẽ thách giá khi thấy khách du lịch.
- Đài Loan là nơi rất tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng, vậy nên bạn cần ăn mặc lịch sử khi đến tham quan đền, chùa hoặc các nơi thờ cúng kể cả khi bạn không theo đạo.
- Hút thuốc nơi công cộng, phòng máy lạnh hoặc trong thang máy sẽ bị phạt hành chính 10,000 Đài Tệ.
- Xả rác nơi công cộng có thể bị phạt hành chính lên đến 10,000 Đài Tệ (tương đương khoảng 7,5 triệu đồng).
- Ăn uống: Nếu bạn là người không thích dầu mỡ, ăn đậm vị thì đừng quá mong đợi vào đồ ăn ở Đài Loan. Trà sữa là món ngon nhất mà mua ở đâu cũng được.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp mọi người có một chuyến đi vui vẻ, an toàn.