Kinh nghiệm khám phá thiên đường cỏ lau Bình Liêu
Nếu bạn quá quen với Hạ Long, Cô Tô, Yên Tử, Vân Đồn khi đến Quảng Ninh, và bạn muốn đổi gió đến một điểm mới lạ hơn, hoang sơ, gần gũi thiên nhiên hơn, thì Bình Liêu là điểm đến dành cho bạn. Đặc biệt là vào thời điểm cuối thu đầu đông, khi mà khắp đất trời Bình Liêu khoác lên mình bộ áo trắng tinh khôi của cỏ lau nở rộ phủ khắp núi đồi
Thu về đâu chỉ có những mùa hoa, thu về đâu chỉ có những bản tình ca trong sương lạnh, thu về còn mang theo cả mùa cỏ lau trắng muốt đẹp vô ngần. Nếu mang trong mình một tâm hồn lãng mạn, một đôi chân ưa phiêu bạt và đôi mắt thích chiêm ngưỡng kiệt tác của tạo hóa thì xách ba lô lên đi thôi nào
1. Bình Liêu nằm ở đâu?
Bình Liêu là vùng núi nằm ở phía Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Hạ Long, Quảng Ninh hơn 108 km và cách thành phố Hà Nội gần 300 km. Phía Bắc của Bình Liêu giáp với huyện Ninh Minh (Trung Quốc), phía Tây giáp huyện Đình Lập – Lạng Sơn, phía Đông giáp huyện Hải Hà và phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).
2. Nên đi Bình Liêu vào thời gian nào?
Do là vùng núi cao nên khí hậu Bình Liêu khá mát mẻ vào mùa hè, Bình Liêu được ví như “Sapa thu nhỏ” của Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhiệt độ mùa đông đôi khi lại khá thấp, không kém các vùng núi cao khác. Chính vì vậy,nên đến đây vào những thời điểm sau:
– Tháng 3,4 là mùa hoa trẩu
– Tháng 10-11 là mùa lau sậy nở rộ và mùa vàng lúa chín ở vùng núi phía Bắc,
– Tháng 12: mùa hoa sở trắng
3. Phương tiện di chuyển?
-✈️ Máy bay: Tùy lịch trình chuyến bay mà mọi người bay đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoặc sân Bay Nội Bài (Hà Nội) để di chuyển. Tuy nhiên Vân Đồn rất vắng, dù sân bay quốc tế rất đẹp nhưng mỗi ngày hầu như chỉ có 1 chuyến từ HCM đi VĐ vào buổi sáng. Nếu lịch trình không linh hoạt có thể bay ra Nội Bài rồi di chuyển xe đến Bình Liêu
-🛵 Xe máy: Có thể đi xe máy từ Hà Nội=> Bình Liêu nếu đủ thời gian, sức khỏa và kỹ năng. Nhưng thường thì mọi người sẽ chọn cung thuê xe máy ở Hạ Long/Vân Đồn để về Bình Liêu. Hoặc chỉ thuê xe máy ở thị trấn Bình Liêu để di chuyển đến các cột mốc
– 🚗 Ô Tô: ai có bằng lái thì thuê xe chạy bon bon. Đi ô tô thì tiết kiệm được thời gian và sức khỏe nhưng không phê như xe máy.
4. Lưu trú ở đâu?
Thật ra Bình Liêu là huyện biên giới còn nghèo nên vẫn chưa phát triển về các dịch vụ lưu trú lắm, chủ yếu là nhà dân mở homestay. Cả thị trấn có 1 hotel to là Bình Liêu Hotel ngay trung tâm. Tuy nhiên 1 số nơi có homestay ổn giới thiệu cho mọi người là:
– Homestay Tuyết Chung ngay thị trần Bình Liêu. 2 Vợ chồng Anh chủ là giáo viên nên rất tử tế, phòng ốc sạch sẽ, có nước nóng lạnh. Cho thuê cả xe máy và đặt xe từ BL về HN hộ cho khách luôn. Giá cả phải chăng lắm. Có phòng riêng và phòng cho tập thể nữa.
– Homestay Hoa Sở
– Homestay Sông Mooc
– Homestay A Dào
Homestay Hoằng Sằn
– Một số homestay ở Hoành Mô Tùy lịch trình của mọi người mà có thể chọn homestay cho phù hợp. Vì khoảng cách di chuyển giữa các cột mốc tới thị trấn khá xa.
Review lịch trình 3 ngày 2 đêm: 🧚🧚🧚
👍Ngày 1: HCM-Vân Đồn-Bình Liêu-Cầu treo Nà Làng- Cột mốc 1297 (ngắm hoàng hôn)
– Máy bay đáp xuống Vân Đồn tầm trưa, đi ô tô/ taxi về Tiên Yên ăn trưa (nhà hàng Diệp Mùi – Cầu Khe Tiên, Tiên Yên- ngon bổ rẻ) và rôi check in homestay tại Bình Liêu (Homestay Tuyết Chung) lúc 2h chiều. Nghỉ ngơi và nhận xe máy rồi lên đường đi cột mốc 1297 – thiên đường cỏ lau ngắm hoàng hôn.
**Lưu ý 1: là phải kiểm tra xe thật kỹ (phuột nhúng, thắng xe, lốp, đèn và kính) vì đường đi rất dốc và cua lên xuống đèo liên tục, đường hẻo lánh không có nhà cửa nhiều đâu, vì ngắm hoàng hôn nên khi về trời tối lắm. Và PHẢI ĐỔ ĐẦY XĂNG vì toàn huyện có đúng 1 cây xăng, hoặc gần homestay có bán xăng lẻ với giá 25k/ lít. Nên mọi người cần chuẩn bị xe kỹ nhé
**Lưu ý 2: đừng tin chị Google, vì là vùng biên giới giáp ranh biên giới nên hầu như bị phá sóng di động, có thể mình đang đi đúng đường nhưng map lại báo sai và chỉ 1 con đường khác (đừơng mòn bò đi- khá rùng rợn- mình lạc rồi nên chia sẻ lại mọi người)
– Đường đi đến Mốc 1297 mọi người sẽ đi qua cầu treo Nà Làng (nằm sát thị trấn nên dễ check in). Cầu treo Nà Làng nối bản Nà Làng với thị trấn Bình Liêu, rút ngắn khoảng cách, thuận lợi cho người dân. Cung này chỉ đi được xe máy chứ ô tô thì không nhé.
– Từ cầu treo Nà Làng rẽ phải đi khoảng 5km sẽ có ngã 4 và tiệm tạp hóa Cô Nguyên (Chỗ này có bán xăng lẻ 25k/lít). Mọi người rẽ trái để đi vào cung đường về Lạng Sơn. Cứ đi rồi sẽ thấy, sẽ có những điểm chốt có bảng : rẽ trái về Lạng SƠn, rẽ phải về Hoành Mô. => Rẽ trái nha
– Ở độ cao hơn 800 mét so với mặt nước biển, cột mốc 1297 thật ra ở Lạng Sơn chứ không phải Quảng Ninh nhưng vì từ Bình Liêu đi qua gần hơn nên mọi người cứ quen gọi thiên đường cỏ lau Bình Liêu. Cung đường này rất rất đẹp nha, đặc biệt 2 bên cỏ lau mọc nhiều, càng gần đến cột mốc càng có nhiều lau và núi non trùng diệp, dưới ánh mặt trời phải nói là siêu phẩm.
Con đường tuần tra biên giới được trải nhựa, hai bên đường các lớp đồi núi đan xen nhau liên tục không dứt. Có đoạn dốc khá cao và cua tay áo liên tục nhưng cứ qua mỗi khúc cua là một khung cảnh làm chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trên đường tuần tra sẽ có một vài chốt kiểm soát, sau khi khai báo thông tin với các chú bộ đội biên phòng, mình vi vu phóng thẳng tới cột mốc 1297
Trong nắng chiều vàng ruộm là con đường cỏ lau lung linh rực rỡ. Đi xe máy xuyên qua những hàng lau này, lắng nghe âm thanh xào xạc, nghe cơn gió mát luồn qua kẽ tay, nghe mùi của cây cỏ thật thoải mái và thích thú. Những bông cỏ lau dại chẳng có ai chăm sóc, cắt tỉa, chúng cứ tự do sinh sôi nảy nở ở khắp mọi nơi, kể cả những chỗ hiểm trở như vách đá cheo leo. Những bông cỏ lau trông rất mong manh, có thể tàn phai và bay đi bất cứ lúc nào nhưng lại bền bỉ và có mặt ở nhiều nơi nhất. Cỏ lau cũng giống như rừng, như núi, hoang sơ và có một sức sống mãnh liệt. Cỏ lau chính là nét điểm tô cho cung đường tuần tra biên giới khiến nó độc đáo, thu hút hơn hẳn những cung đường khác của miền Đông Bắc.
Từ khu vực chân mốc để lên đến cột mốc có khoảng cách gần 1km nên mọi người nhớ mang nước theo uống và nhớ mang rác xuống nha
– Dưới chân Mốc 1297 có trạm biên phòng. mọi người phải dừng lại đăng ký và đọc bảng 3 Không :
+ Không flycam
+ Không vứt rác
+ Không đứng/ngồi lên cột mốc Và có gợi ý 50k để các Anh biên phòng dọn rác hộ ^^ .
Đường lên cột mốc giờ đã dễ đi hơn. Dừng chân bên con đường đèo trải nhựa chỉ cần leo lên con dốc tầm 700m là đến. Có đoạn dốc quá đã được làm thành bậc tam cấp, có đoạn thoai thoải hơn thì rải bê tông. Tuy nhiên có vài đoạn khá dốc nên bạn vẫn cần nghỉ ngơi đôi chút để đảm bảo sức khỏe.
“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với;
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình;
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi;
Suốt một đời cùng với gió giao tranh”
– Chế Lan Viên –
Cột mốc 1297/4 thuộc xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, Lạng Sơn), giáp với xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Nằm gần ranh giới giữa 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh nên bạn có thể đến đây từ hai hướng.
Cột mốc 1297/4 là mốc nhỏ thuộc nhóm 4 mốc phụ của mốc đơn 1297. Nó cũng nằm ở vị trí cao nhất, đến 1020,71 mét, cao hơn 100m – 200m so với với 3 mốc giới phụ còn lại. Chỉ đi tay không mà đã thấy mệt, huống hồ những người đã vác từng tảng đá, bao cát lên đây làm đường, xây cột mốc.
Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc khi đứng trên đỉnh cột mốc 1297. Xa xa kia là từng lớp từng lớp núi xanh nhấp nhô, trùng điệp. Làn khói mơ màng từ những ngôi làng nhỏ bên dưới lớp núi khiến bức tranh dường như có hồn và sức sống hơn rất nhiều. Những ngọn cỏ lau vàng ruộm lại càng khiến màu xanh của núi rừng trở nên thơ mộng. Phóng tầm mắt xa xa là đường biên giới phân chia bức tranh làm hai nửa, phía bên này của Việt Nam phía bên kia của Trung Quốc. Đứng trên cao lộng gió, thu hết khung cảnh hùng vĩ của đất nước mình vào trong mắt, lắng nghe âm thanh của rừng núi đất trời như hòa làm một
Từ điểm này, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát toàn cảnh núi rừng. Gió lồng lộng, khí trời mát mẻ trong lành, ngắm từng dấu mốc và phóng mắt nhìn xa xa khung cảnh hùng vĩ của quê hương thật sự là một cảm giác khó tả mà ai cũng muốn trải nghiệm một lần trong đời
– Sau khi mãi ngắm hoàng hôn nơi biên viễn khi về trời đã tối lắm rồi, may mà được 2 anh chị đi xe ô tô phía sau rọi đèn cho mình đèo con em trên chiếc xe máy về đến thị trấn chứ đường tối lắm, không có đèn hay biển chỉ dẫn đâu. Vậy nên mọi người cố gắng về sớm cho an toàn nhé!
👍 Ngày 2: Cột mốc 1305 (đón bình minh) – Mùa Vàng xã Lục Hồn – Camping núi Cao Ly (núi Cô đơn)
– Để có được 1 bức ảnh đẹp bình minh trên cột mốc 1305 – nơi được mệnh danh là “sống lưng khủng long ở Bình Liêu” thì phải dậy từ lúc 3h sáng và 3h30 xuất phát, đi hướng từ Thị trấn Bình Liêu => Hoành Mô=> Cột mốc 1305. Đường đi cực kỳ xấu về đêm. May mà thuê 1 Anh HDV địa phương dẫn đường chứ không thì thật sự sợ hãi. Vì đi đêm nên chỉ biết cắm mặt đổ đèo rồi lên đèo suốt, không ngưng tay ga 1 xíu nào được, luôn phải tập trung cao độ 100% suốt hơn 1 tiếng để đến được dưới chân núi. 5h sáng sương mờ mù chưa có ai xuất phát nên bãi đỗ xe còn vắng.
+ Hành trang trekking chả có gì ngoài 1 đôi chân yếu đuối và 1 trái tim dũng cảm. Leo tầm 30′ là mặt trời dần lấp ló, càng lên cao càng gió lạnh. Lần đầu được trải nghiệm gió mùa Đông Bắc => Phê chữ ê kéo dài.
+ Nếu có sức và người hướng dẫn thì nên đi sớm, vì đi muộn quá sẽ rất đông người leo lên, lúc ấy thì nắng lên và leo rất mệt.
+ Cái giá nào cũng xứng đáng cả, nên cố gắng dậy sớm tí để có những khoảnh khắc không bao giờ quên và cũng không thể lưu vào trong trang ảnh.
+ Với gần 2.000 bậc thang, cung đường lên cột mốc 1305 có nhiều đoạn dốc ngược, hai bên là sườn núi.
Có đoạn sẽ cho chúng ta cảm giác như đi trên “sống lưng khủng long”, có đoạn lại như tận hưởng những cơn gió Đông Bắc rào rạt thổi “kinh hồn bạt vía”. Có lúc, độ khó của cung đường cũng dễ làm nản lòng nhưng hãy cố lên, càng lên cao bạn sẽ thu vào tầm mắt cảnh quan hùng vĩ miền biên ải, những dãy núi xanh thẳm kéo đến tận chân trời.
Sau quãng đường dài đầy thử thách với gió lạnh cuối thu, càng lên cao càng lạnh và loãng, chúng mình thấm mệt với những con dốc ngược, nhưng khung cảnh hùng vĩ hiện ra như một liều thuốc an thần
Vượt qua những bước chân chinh phục, vượt qua “Sống lưng khủng long” Bình Liêu thì cột mốc 1305 hiện ra đơn sơ giữa 2 dãy núi. Chưa bao giờ hai chữ Việt Nam khắc trên cột mốc lại cho ta cảm giác thiêng liêng như lúc này.
– Tầm 8h bắt đầu xuống núi để về Hoành Mô ăn sáng, sau đó chạy về bản Khe O và Cao Thắng ngắm ruộng bậc thang mùa vàng, ai thích bay dù lượn thì có thể đăng ký trước.
– Sau khi dạo 1 vòng quanh các bản làng Ở thôn Khe O và Cao Thắng thì mình về homestay trả phòng (những vẫn gửi hành lý lại homestay), ăn trưa, nghỉ ngơi 1 chút rồi chạy lên núi Cao Ly để tối cắm trại và ngủ lại đây, đường lên Cao Ly có 2 cung:
+Cung 1: đi từ thác Khe Vằn. Cung này đang làm đường nên ô tô không đi được, đường siêu vắng và siêu đẹp nhưng sạc lỡ rất nhiều, lúc đi mình cũng do không biết mà đi theo Google map chỉ nên đi thôi nên trên đường trừ xe ben vận chuyển vật tư thì không có ai. Cung này đẹp lắm, đoạn đầu đi vào khu dân cư hai bên đường hoa đào chúm chím nở, càng đi xa và lên cao thì chỉ có vực sâu và thông reo “sặc mùi” hơi thở của thiên nhiên và mạo hiểm với chiếc xe cà tàn của mình .
+ Cung 2: thì đi từ hướng Hoành Mô lên Đồng Văn rồi xuống Cao Ly (Cung này dễ đi hơn, mọi người đều đi cung này). Nên về cung này vì sẽ đi ngang qua Đồng Văn thấy lúa chín vàng ruộm ở đây rất đẹp, rất yên bình trong nắng sớm, và hầu như được gặt muộn hơn ở Khe O hay Cao Thắng.
Hãy một lần cắm trại và nhóm lửa trên đỉnh núi Cao Ly để khi đêmxuống mặc cho sương lạnh, gió lùa… cùng nhóm lên bếp lửa giữa màn đêm trên đỉnh núi Cao Ly.
– 4h30-5h là tới nơi camping, mọi người cứ search trên GG là ra nha. Mình đặt tour bên chỗ Mảy Linh Travel nên chỉ đến nhận lều thôi, còn lại các dịch vụ bên Camping lo, ăn uống các kiểu.
+ Ở đây có tắm lá thuốc người Dao rất sảng khoái, 50k/xô sau 1 cung đường dài mệt mỏi sẽ giúp chúng ta hồi phục ngay.
+ Cá nhân thấy Camping núi Cao Ly này nó không đủ chill và đẹp như núi Mắt thần ở Cao Bằng và khá thương mại. Vì gần Hạ Long và Hải Phòng nên người dân đi ô tô chở gia đình đi camping rất nhiều, đêm xuống khi đã “chén chú chén anh” thì nhà nào nấy mở loa kẹo kéo hát hò, mỗi nhà 1 phong cách nhạc nên ai không quen không khí này sẽ thấy nó kinh khủng lắm. Thêm vào đó là các nhà vệ sinh dựng tạm khá bẩn nên phải chuẩn bị tâm lý đối với những ai mới bước vào bộ môn camping.
+ Bù lại đồ ăn ngon, sáng dậy sớm làm ly mì, cốc cafe chill chill ngắm mặt trời mọc cũng ổn xem như đổi gió. Về đêm sương xuống trên núi rất lạnh nên cần trang bị ấm nhé
Qua một đêm ăn gió nằm sương thì ngắm mặt trời mọc trên núi Cao Ly là một món quà tuyệt vời và xứng đáng dành cho những ai “trằn trọc thâu đêm giấc chẳng lành”.
👍 Ngày 3: Cao Ly – ruộng bậc thang Đồng Văn – Cửa khẩu Hoành Mô – Chợ Phiên Bình Liêu – Hà Nội
– Rời Cao Ly mình về thị trấn Bình Liêu có đi ngang qua Đồng Văn bắt gặp cánh đồng lúa ruộng bậc thang rất đẹp ven đường, nên dừng chân ngắm cảnh và chụp một vài tấm ảnh.
– Về đến Hoành Mô ăn sáng xong mình ghé thăm cửa khẩu Hoành Mô. Cửa khẩu Hoành Mô là cửa khẩu tại vùng đất thôn Đồng Mô xã Hoành Mô huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Cửa khẩu Hoành Mô là điểm cuối quốc lộ 18C, nối tiếp qua đường tràn tại bãi Đồng Mô trên sông Đồng Mô, thông thương sang cửa khẩu Động Trung ở thành phố cảng Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
– Từ Hoành Mô mình chạy một mạch về thị trấn Bình Liêu đi chợ phiên, trên đường sẽ đi ngang qua cánh đồng lúa ở Lục Hồn, đây là xã có diện tích lúa lớn ở Bình Liêu và lễ hội dù lươn ngắm mùa vàng Bình Liêu.
Chợ phiên thị trấn Bình Liêu rất phong phú. Trái cây siêu ngon và rẻ nhé, nên thử hồng ở đây, rất rất ngon, vừa thơm vừa giòn vừa đỏ mọng. Mọi người cũng có thử các loại bánh đặc sản khác như cooc mò, bánh tài lồng ệp ….
Nhắc đến Bình Liêu thì ngoại cảnh vật hữu tình níu chân lữ khách mà con người Bình Liêu với bản sắc văn hóa thật đậm đà là một đặc điểm vô cùng ấn tượng, là tài sản quý giá của vùng đất xa xôi này. Bình Liêu là huyện đa dân tộc (trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 5 dân tộc chính : dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%. Mỗi dân tộc đều có những yếu tố văn hóa riêng, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, được gìn giữ gần như nguyên vẹn như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà hay hội hát Sán Cố của người Dao
Bình Liêu sở hữu khá nhiều những giá trị văn hóa phi vật như các lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Kiêng gió, Hội hát Tháng ba, lễ hội hoa sở
– Sau khi khám phá chợ phiên và mua sắm đặc sản thì mình chạy về homestay trả xe máy rồi lên xe về Hà Nội. (Xe Limousine tuyến Móng Cái – Hà Nội, giá vé 450k/người)
Cái rét cuối thu đầu đông miền biên viễn Bình Liêu đã khiến những người con miền Nam nhung nhớ mãi. Đã đi qua biết bao vùng đất nhưng miền biên viễn Bình Liêu vẫn đọng lại trong tâm trí chúng mình với những rừng lau trắng ngút ngàn tít tắp và những cột mốc ngày đêm vũng chải, suốt cuộc đời đối mặc với gió sương.
Khép lại hành trình khám phá Bình Liêu xinh đẹp, hoang sơ và thỏa chí tang bồng 🥰
Thông tin địa chỉ liên hệ dành cho mọi người:
1. Homestay Tuyết Chung (cho thuê xe máy và đặt vé limousine luôn): 0966 545 166
2. Camping Cao Ly: chị Linh (cty Mảy Linh travel) – 0961 818111
3. Hướng dẫn viên bản địa: Anh Hà- 0839 221086
#Binhlieu #ColauBinhLieu #Binhlieuquangninh #songlungkhunglongBinhLieu #muacolaubinhlieu#cotmoc1297 #cotmoc1305