Kinh nghiệm phượt Hà Giang tự túc bằng xe máy

Thanh xuân ai cũng nên đến Hà Giang một lần, vì Hà Giang đẹp không chỉ do đích đến mà là đẹp trên cả những cung đường, trên hành trình chúng ta đi qua.

Hà Giang là miền đất với vẻ đẹp thơ mộng của trăm hoa đua nở, những dãy núi ngang trời và bạt ngàn suối sông. 

Hà Giang ngày trở lại

– Hà Giang của gần chục năm trước, là vùng đất nằm ở địa đầu Tổ quốc, khu vực vẫn còn hoang sơ và ít được biết đến, hơn 90% dân số là các dân tộc thiểu số cư trú trong các đồi, thung lũng và những ngôi làng (H’Mong, Tày, Dao, Lò Lò, Giáy, Pu Peo). Cao nguyên địa chất Đồng Văn là nơi đẹp nhất và xa nhất của Hà Giang, được UNESCO công nhận là một trong 77 địa điểm quan trọng về khảo cổ, di sản văn hóa; nơi này được hình thành từ các các-xto (karst) với gần 400 triệu năm tuổi. Để đến được Đồng Văn hay Mèo Vạc vẫn là một sự chinh phục trên những cung đèo hiểm trở, đường sỏi đá gồ ghề mà dân mê xê dịch thấy rất “phê” và “đã”. Và vẫn còn là vùng đất chưa bị tác động bởi ngành công nghiệp du lịch.

Dốc Thẩm Mã 10 năm trước khi vẫn chưa có sự đầu tư xây dựng bê tông hàng quán như hiện nay

-Hà Giang ngày nay: đã vươn mình bức phá, được chủ trương đầu tư đường sá, ô tô con chạy băng băng êm như lướt sóng (trừ đoạn Mèo Vạc về Du Già và Du Già về tp. Hà Giang chưa làm đường xong). Homestay mọc lên khắc các khu du lịch nổi tiếng. Thậm chí người ta đi Nho Quế có hẳn xe chở bon bon tận bến thuyền chứ không phải mất cả ngày vừa “lội” vừa bò đi tìm dường xuống. Nhờ du lịch phát triển mà người ta đến hà Giang nhiều hơn, cảnh đẹp hùng vĩ của vùng cao nguyên núi đá được biết đến không chỉ người dân Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế Hà Giang nay phát triển du lịch rồi, giúp đời sống người dân được nâng cao hơn.

Dốc Thẩm Mã ngày nay đã được bê tông hóa bờ kè chắc chắn và luôn có các cô, các bé người dân tộc tập trung rất đông với những bó hoa trên tay, trang phục sặc sỡ đón chào quý khách từ mọi miền đất nước đến thăm Hà Giang

1. HÀ GIANG ở đâu?

Hà Giang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, KHÔNG PHẢI TÂY BẮC NHA – Phía đông giáp tỉnh Cao BằngPhía tây giáp tỉnh Lào CaiPhía nam giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Yên BáiPhía bắc giáp tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc. Và cùng thuộc vùng núi Đông Bắc với các tỉnh khác như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh. Có diện tích khoảng 8000 km2. Và là nơi sinh sống của 22 dân tộc thiểu số nước ta với những văn hóa phong tục tập quán đa dạng.

Danh sách huyện, thị của tỉnh Hà Giang: Bắc Mê, huyện Bắc Quang, huyện Đồng Văn, huyện Hoàng Su Phì, huyện Mèo Vạc, huyện Quản Bạ, huyện Quang Bình, huyện Vị Xuyên, huyện Xín Mần, huyện Yên Minh. Thành phố Hà Giang là thành phố duy nhất của tỉnh Hà Giang.

Trong bài viết này chúng ta sẽ chia sẻ đi cung từ Tp. Hà Giang hướng về phía Bắc Hà Giang

2. Nên đi Hà Giang vào thời gian nào?

Hà Giang mùa nào cũng đẹp, do ở vùng khí hậu cận nhiệt đới ấm nhưng do địa hình núi đồi cao, nên khí hậu Hà Giang mang sắc thái ôn đới nhiều hơn

– Tháng 1=> tháng 2 âm lịch: Mùa xuân, mùa của hoa đào, hoa mận nở rợp trời

– Tháng 3: mùa hoa mộc miên đỏ muôn nơi – Những tháng còn lại thì Hà Giang cũng đẹp lắm nhưng hay mưa, có khi có sạc lở nên khá nguy hiểm

-Tháng 8 => tháng 9: Hà Giang được nhuộm màu vàng ươm bởi những cánh đồng lúa ruộng bậc thang chín vàng ươm. Đẹp nhất là ở Hoàng Su Phì.

– Tháng 10 – tháng 12: mùa hoa tam giác mạch nở rộ rập trời.

3. Phương tiện di chuyển?

-✈️ Máy bay: dành cho các bạn từ HCM hay mọi miền đất nước bay ra Hà Nội để thuận tiện bắt xe lên thành phố Hà Giang, trừ mấy tỉnh anh em lân cận Hà Giang thì khỏi bay ^^.

-🛵 Xe máy: đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Tp. hà Giang rồi thuê xe máy rong ruổi khắp đất trời.

– 🚗 Ô Tô: ai có bằng lái thì thuê xe chạy bon bon, đường đèo cũng dễ đi rồi. Đi ô tô thì tiết kiệm được thời gian và sức khỏe nhưng không tuyệt như xe máy và dễ bị say xe do đường đèo ngoằn ngoèo

4. Lưu trú ở đâu?

Tùy lịch trình và cung đường mà mọi người book homestay/hotel phù hợp

– Tp. Hà Giang: rất phát triển nên khách sạn hay homestay rất nhiều, tha hồ lên agoda book.

– Quản Bạ – Yên Minh – Du Già: Hội Homestay, Cheers Du Già Homestay

– Đồng Văn – Lô Lô Chải: Lolo Ancient House (Recommend cho mọi người nên ở đây)

– Mèo Vạc: Thào Gia Homestay (xa trung tâm 1 chút nhưng view ngắm thị trấn Mèo Vạc rất đẹp và cũng thuận đường về Du Già)

– Phố Cáo…

Review lịch trình: 🧚🧚🧚 đủ cung đường và trải nghiệm mọi thời tiết vào mùa xuân Hà Giang

– Ngày 1: HCM-Hà Nội-tp.Hà Giang Hồ Chí Minh :

Di chuyển bằng máy bay chuyến 6h tối đến Nội Bài, sau đó đến tp. hà Giang bằng xe Bằng Phấn (giường nằm hoặc cabin đôi tùy giờ đáp chuyến bay mà kêu nhà xe tư vấn) Kame hay chọn khung giờ này để tiết kiệm thời gian và phù hợp với các bạn làm văn phòng nữa.=> Ngủ 1 giấc 5h là đến tp Hà giang.

– Ngày 2: tp. Hà Giang-Quản Bạ-Yên Minh-Nhà của Pao- Dinh Vua Mèo-Lô Lô Chải:

+ 5h sáng xe đến tp. Hà Giang, mình thuê xe máy ở Giang Sơn, vừa cho thuê xe máy có tâm, vừa có chỗ ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân cho các bạn nhỡ đường đặt xe đến quá sớm.

Giang Sơn, địa điểm uy tín và tin cậy cho suốt hành trình chinh phục Hà Giang của team Kame

+7h30 xuất phát đi ăn sáng: bún chả 87 Lê Quý Đôn, p. Nguyễn Trãi, tp. Hà Giang (gần cột mốc số 0) vừa ngon vừa rẻ, no căng

+8h: check in cột mốc số 0, cafe cà pháo

Ngay cả cột mốc Km0 cũng được cho mặc áo mới chỉnh chu để mọi người dễ check in nữa

+9h: di chuyển đi Quản Bạ. Trên đường đi tới Quản Bạ có đi ngang mấy vườn Đào của người dân, hoa nở rực rỡ nên ghé vào chụp ảnh hết 1 mớ thời gian (vé 10k người)

Cứ ngỡ Mộng Đào Nguyên nhưng đây là Mận Đào Nguyên

Núi đôi Quản Bạ còn được biết đến với tên gọi khác là núi đôi hoặc núi Cô Tiên, đã được hình thành cách đây từ 1,6 triệu đến 2 triệu năm. Ngọn núi với hình dáng tròn trịa, căng đầy như bộ ngực của nàng tiên đang say giấc nồng. Nên hầu như ai đến với Hà Giang cũng đều check-in cùng tuyệt tác thiên nhiên này

Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang 40 km về phía Bắc, thuộc địa phận thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

“Tương truyền rằng ngày xưa có chàng trai H’Mông có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng vang vọng núi rừng, bay đến tận trời cao. Và đặc biệt hơn là làm say lòng nàng tiên nữ. Vì thế, nàng đã xuống trần tìm chàng và cả hai kết tóc se duyên. Không những thế, cả hai còn cho ra đời một cậu con trai rất kháu khỉnh.

Sau khi phát hiện ra chuyện này, Ngọc Hoàng đã vô cùng tức giận. Ông đã sai người bắt nàng về trời. Mặc dù đã nàng đã xin được ở lại nuôi con nhưng Ngọc Hoàng đã không chấp nhận. Vì thương chồng vất vả nuôi con và lo con mình không có sữa nên nàng đã để lại cặp nhũ ở trần gian. Nhờ đó mà đứa trẻ ngày càng lớn khôn.

Sau này, cặp nhũ đó đã biến thành núi đôi có hình dáng như bầu ngực của mẹ. Người dân nơi đây cũng tin rằng, nhờ có dòng sữa của nàng tiên mà thiên nhiên nơi đây mới trù phú đến thế. Nước mắt của nàng đã hóa thành dòng sông Miện đầy trữ tình.”

Đài phát thanh Cổng trời Quản Bạ

+12h trưa đến Yên Minh: từ Quản Bạ đi Yên Minh có qua rừng thông Yên Minh, nếu ai đam mê có thể ghé chụp ảnh. Bọn mình thì thấy không đẹp bằng thông Đà Lạt nên bỏ qua mà chạy thẳng về ăn trưa ở Phong Vân Quán trên đường Trần Hưng Đạo, ngon-bổ-rẻ, chị chủ rất dễ thương.

Một đoạn qua rừng thông Yên Minh

+1h di chuyển tiếp tục về Dốc Thẩm Mã, Dốc 9 khoanh. Ghé đây tầm 30phút chụp ảnh, giờ người ta xây hẳn chỗ cho đổ xe máy rồi bờ kè ra để chụp, có cả mấy cô bán hàng rong nữa. tiện cho khách du lịch nhưng lại che mất tầm nhìn đẹp hoang sơ trước đây

Những nụ cười chất phát, những màu sắc sặc sỡ, những ngôn ngữ mình không thể hiểu nhưng lại tự nhiên mỉm cười theo.

– Dốc Thẩm Mã-

Dốc Thẩm Mã được hiểu theo nghĩa đen là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa. Tương truyền rằng, xưa kia chính tại con dốc này người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh dốc vẫn còn khỏe là con ngựa tốt thì sẽ được người dân giữ lại nuôi. Những con ngựa nào đi hết dốc mà yếu, thở không ra hơi thì đã có chảo thắng cố nơi những phiên chợ vùng cao đợi sẵn. 😂😂😂
Ngày nay con dốc này không còn được sử dụng làm nơi thẩm định sức ngựa nữa mà là nơi thẩm định các tay lái vững vàng của các phượt thủ, của các bác tài khi lên với Cao nguyên Đá Đồng Văn.

+ 2h30 đến Sủng Là, ghé tham quan Phim Trường “chuyện của Pao”, ở đây giờ quá tiện lợi cho đỗ xe, dạo chơi. vé vào tham quan 10k/người, chụp ảnh với hoa cải/tam giác mạch 10/người, đi vệ sinh 5k/người (note là đừng đi khu ngay nhà Pao, vì khá dơ, nên đi ở phía gần cổng vào)

Thung lũng Sủng Là được biết đến là một thung lũng xinh đẹp nhất thuộc địa phận của cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm trên quốc lộ 4C nối các thị trấn của tỉnh Hà Giang và Sủng là chỉ cách huyện Đồng Văn hơn 20Km, được biết với rất nhiều biệt danh như là “ốc đảo”, “thung lũng nơi đá nở hoa” hay là “đóa hoa rực rỡ đầy quyến rũ của cao nguyên đá”.

Cảnh đẹp thôn Sủng Là

Được hình thành trên địa hình chênh vênh của đá tai mèo đầy hiểm trở, nhưng với sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường của các chồi hoa đã vươn lên tạo cho thung lũng một cảnh sắc ngọt ngào mê hoặc lòng người. Hiện nay, thung lũng Sủng Là được xem là địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang không chỉ với người Việt mà còn là du khách nước ngoài. Hơn hết với sự xuất hiện trong bộ phim “Chuyện của Pao”, thung lũng Sủng Là trở nên ngày càng nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.

Nhà của Pao hiện tại là nơi cư ngụ của một gia đình người Mông “tứ đại đồng đường” nên vẫn lưu giữ gần như vẹn nguyên nét đẹp văn hóa của dân tộc này. Ngôi nhà này được làm hoàn toàn thủ công với 100% nguyên liệu được tuyển chọn và sản xuất tại chỗ.

Nhà của Pao thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Sau bộ phim cùng tên nơi đây trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn mà bất kỳ ai khi đi Hà Giang đều muốn ghé thăm. Để có thể đến được ngôi nhà này du khách sẽ phải vượt quãng đường chừng 20 cây số từ huyện Đồng Văn. Sủng Là nằm ngay trên đường quốc lộ 4C nối liền các thị trấn ở Hà Giang.

Hàng rào đá nhà Pao

Căn nhà này được xây dựng rất mộc mạc, với khoảng sân trước nhà và hàng rào được làm bằng đá và chiếc ngói âm dương vô cùng đẹp mắt. Nơi đây còn trồng những cây mận và đào nên vào dịp đầu năm bạn sẽ ngắm được những đóa hoa rực rỡ trước cửa nhà.

Nhà của Pao

Điều cần làm khi đến với Sủng Là là một tâm hồn đẹp và một chiếc điện thoại hoặc máy ảnh đầy pn với dung lượng để bạn có được những bộ ảnh tuyệt vời có một không hai.

Dễ dàng bắt gặp những “bông hoa nhỏ” xinh đẹp rực rỡ này ở Sủng là

+ 4h ghé Cao Nguyên Đá Đồng Văn, check in chụp choẹt ở đây tầm 30 phút

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa phận cả 4 huyện của tỉnh Hà Giang là Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và Mèo Vạc có diện tích gần 2500km2. Đây là một vùng núi đá hiểm trở có hình tai mèo xám xịt, trông rất kỳ bí xếp chồng lên nhau. Các núi đá vôi tại đây có độ cao trung bình hơn 1000m so với mực nước biển.

Cảnh đẹp ở Cao Nguyên Đá Đồng Văn

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO: Cao nguyên đá Đồng Văn với trên 70% diện tích đá vôi lộ diện.
“Tsi muaj lub roob siab dua koj lub hauv caug” “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối” – câu thành ngữ này của người Mông nghe tự hào biết mấy. Bạn sẽ càng thấy câu nói này tuyệt đẹp khi tới Cao nguyên đá Đồng Văn, đặt chân lên một vùng núi đá vôi hùng vĩ có độ cao trên 1.000m.

Đứng trên một đỉnh núi cao và phóng tầm mắt của mình ra xa, ta sẽ nhìn thấy cả một vùng đồi núi bao la nhấp nhô nối tiếp nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
Miền đá nở hoa – Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Hà Giang

+ 5h: di chuyển về Dinh Vua Mèo. chỗ này rất đẹp nên mất nhiều thời gian tham quan và chụp ảnh, vé vào 20k/người.

Khu dinh thự của vua Mèo, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương, hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1898 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1907

Dinh thự họ Vương

Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1898 và chính thức hoàn thành vào năm 1907, tiêu tốn một khoảng tiền khổng lồ là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ VNĐ ngày nay. Dinh thự được thiết kế và xây dựng bởi những người thợ Vân Nam Trung Quốc kết hợp với đồng bào người Mông, tạo ra một công trình rộng hơn 1200m2 trên diện tích khoảng 3000m2. Nhờ lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa không thể bàn cãi,

Kiến trúc bên trong dinh thự vô cùng độc đáo, là sự kết tinh của 3 nền văn hóa khác nhau gồm người Mông, người Pháp và người Trung Quốc. Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng.

Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, sau gần 1 thế kỉ tồn tại. Ngoài ra dinh thự này cũng mất đến 5 năm để khởi công xây dựng bởi và tất cả đều được xây dựng bằng sức người chứ không hề dùng phương tiện máy móc gì.

Dinh thự Vua Mèo (Dinh thự họ Vương) là điểm đến thú vị giữa một Hà Giang của thiên nhiên kỳ thú với núi rừng hoang sơ và cảnh vật nên thơ, trù phú.

+ 6h: di chuyển về làng Lô Lô Chải ở Lũng Cú vì Kame đặt homestay ở đây. Đường rất tối, vắng và sương mù dày đặc cộng thêm cái rét lạnh đêm xuân làm cho mọi người đều run lẩy bẩy khi check in tại homestay. Bù lại thì Lô Lô Chải là nơi xứng đáng cho bạn trải nghiệm suốt hành trình.

Homestay xinh đẹp của dân tộc Lô Lô địa phương

+ 7h tối: check in homestay LoLo Acient Houses, tắm rửa và ăn tối tại homestay. recommend cho các bạn là nên ăn lẩu gà đen, siêu ngon, trời lạnh – ăn lẩu – làm tí rượu ngô nhà bác Gai chủ homestay (trưởng thôn luôn) nấu thì “ối giồi ôi” luôn.

Hãy thưởng cho bản thân và đồng đội 1 nồi lẩu gà đen siêu to khổng lồ nóng hổi, kèm ly rượu ngô bác trưởng thôn nấu thì có giá rét cỡ nào cũng xứng đáng

*** Nếu đi đông 6-8 người thì nên đặt Dorm, homestay rất đẹp, giường &chăn đệm dày rất ấm. Homestay truyền thống của dân tốc Lô Lô, còn được nghe về văn hóa của người dna6 ở đây là 1 điều tuyệt vời. Homestay đầy đủ nước nóng lạnh, dầu gội, sữa tắm… rất tiện nghi.

– Ngày 2: Cột cờ Lũng Cú-Đồn Biên phòng Lũng Cú (chỗ Ma Lé)-Phố Cổ Đồng Văn-Đèo Mã Pí Lèng-Cung Đường Hạnh Phúc-Làng H’Mông Pả Vi – Thị Trấn Mèo Vạc:

+ Ăn sáng & uống cafe Cực Bắc, dạo quanh làng thôn Lô Lô Chải là đã có ảnh đẹp rồi.

Ăn sáng và thưởng thực cốc cafe Cực Bắc, ngắm nhìn những nụ đào chúm chím còn đọng hơi sương sẽ làm lòng người bình yên đến lạ

Thôn Lô Lô Chải (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) nằm sát điểm cực Bắc Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5 km. Lô Lô Chải là nơi vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với những căn nhà trình tường từ nhiều đời của người Lô Lô.

+ 9h: Đi Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú, tọa lạc ở đỉnh cực Bắc của Việt Nam, một biểu tượng quan trọng của chủ quyền và một di tích lịch sử quốc gia. Cột cờ tại Lũng Cú thể hiện sự kết nối giữa lịch sử và tinh thần dân tộc, là một điểm đến thiêng liêng đầy ý nghĩa cho những ai muốn khám phá vùng đất Đông Bắc tuyệt đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

ên gọi “Lũng Cú” có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng tất cả đều liên quan đến “Rồng”. Có ý kiến cho rằng tên gọi đúng của nơi này có thể là “Long Cổ” (trống có hình rồng) hoặc “Long Cư” (nơi rồng ở). Tuy nhiên, có một giả thuyết khá thú vị cho rằng “Lũng Cú” có thể dịch là “Thung lũng Rồng”. Theo âm Quảng Đông “Lũng” có nghĩa là Rồng, còn “Cú” có nghĩa là Thung Lũng theo âm Quan Thoại. Với cảnh quan đan xen núi đồi và thung lũng, “Thung lũng Rồng” có vẻ là một cách giải thích phù hợp cho tên gọi của vùng đất này.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, đường đi từ chân núi lên cột cờ tổng cộng có 839 bậc thang. Quãng đường lên núi được chia làm 3 chặng, mỗi chặng đều được bố trí chỗ nghỉ chân để du khách nghỉ ngơi và ngắm cảnh.
Bên dưới có các quầy hàng nước cho du khách nghỉ chân và ngắm nhìn cột cờ Lũng Cú xa xa

+11h: check out homestay, di chuyển về đồn biên phòng Lũng Cú ở Ma lé để chụp ảnh hoa tớ dày (đào rừng), đang mùa hoa rực rỡ rất đẹp.

Thời tiết chuyển rét, khi hoa đào chưa nở là lúc mai anh đào ở xã Ma Lé rực rỡ khoe sắc

+12h: di chuyển về phố cổ Đồng Văn ăn trưa. Trên đường đi có biển chỉ dẫn, mọi người chú ý rẽ chứ đi quá trớn là đi đường vòng sẽ xa hơn cả 20km. ***Ăn trưa, cafe ở phố cổ xong di chuyển về Thị Trấn Mèo Vạc.

Cafe ngắm mưa ở phố Cổ Đồng Văn

+ 3h di chuyển về Mèo Vạc, trên đường sẽ đi ngang check in mã Pí Lèng và Sông Nho Quế từ trên cao, trải nghiệm đổ đéo đấy sương mù trên con đường Hạnh Phúc. Rẽ 1 vòng vào làng H’Mông thôn Pả Vi rồi đi thẳng về thị trấn Mèo Vạc.

Sông Nho Quế nhìn từ trên cao.

Đèo Mã Pì Lèng hay còn gọi là Mả Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng (nghĩa là “sống mũi con ngựa”) được mệnh danh là vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc, là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn.

Mã Pì Lèng được mệnh danh là một trong những cung đường đèo tử thần của vùng núi đất Bắc, vì những đường cong hiểm trở, thách thức tay lái. Đèo tọa lạc trên quốc lộ 4C, xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thuộc một trong những con dốc cao và hiểm trở nhất vùng núi Đông Bắc, cũng là cái tên nằm trong danh sách “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam đáng để chinh phục. Nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, và dài khoảng 20km (nối liền thị trấn phố cổ Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc), Mã Pí Lèng uốn cong và quấn quanh ngọn núi như một con trăn trắng. Men theo cung đường này, sẽ đi qua được thêm nhiều bản làng hay địa danh nổi tiếng như Pả Vi, Sín Cái…

Đường về thị trấn Mèo Vạc qua thôn Pả Vi. Ấn tượng nhất là nhà ở đây đều có cửa giống nhau. Trên cửa treo biển tên chủ hộ và đẹp nhất là treo quốc kỳ Việt Nam.

+5h30 : check in homestay Thào Gia. Tắm rửa, ăn tối và nghỉ ngơi

Mèo Vạc nhìn từ trên cao-homestay Thào Gia

*** Mình không chọn làng H’mông Pả Vi để ở lại vì nó mang tính du lịch quá nhiều, rất đông đúc, giá cả đắt đỏ. Thay vào đó chạy về thị trấn Mèo Vạc và ở Homestay Thào Gia view nhìn xuống thị trấn rất đẹp, sáng nhìn Mèo vạc chìm trong sương mờ, đêm thì lại rực rỡ ánh đèn màu. Homestay cực sạch sẽ, nhiều nhà vệ sinh, máy nóng lạnh đầy đủ. Phục vụ nhiệt tình, giá cả phải chăng, không gian rộng rãi nữa.

Ngắm nhìn thị trấn Mèo Vạc giữa màn sương mờ từa trên cao, view homestay Thào Gia

– Ngày 3: Sông Nho Quế – Mèo Vạc -Cung đường chữ M – Mậu Duệ – Du Già:

+ 8h sáng xuống thị trấn Mèo Vạc ăn sáng sau đó chạy thẳng xuống bến thuyền sông Nho Quế. Đường dốc quanh khá nhiều và hơi xấu nhưng bù lại cảnh đẹp. ** Vé thuyền là 120k/người, có xe trung chuyển xuống bến thuyền. Thời gian đi thuyền tầm 45 phút. Bạn có thể kêu lái thuyền ghé chỗ camping để cafe check in.

Hẻm Tu Sản nhìn từ mõm đá cao

Với chiều cao vách đá lên đến 700m – 800m, chiều dài 1,7km, sâu gần 1000m, Hẻm Tu Sản được xem là danh thắng kì vĩ độc nhất, là “đệ nhất hùng quan” của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Hẻm Tu Sản nhìn từ trên cao
Đi thuyền trên sông Nho Quế

Bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.800m, sông Nho Quế chảy theo hướng tây bắc – đông nam, qua núi rừng hoang vu hiểm trở, đổ vào xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) để vào nước ta. Sông tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo Mã Pí Lèng, khi đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh và chảy sang địa phận Cao Bằng, cuối cùng nhập vào sông Gâm tại ngã ba Nà Mát.

Giữa dòng sông Nho Quế

Hầu hết thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc lục bảo tuyệt đẹp, ánh lên giữa những chân núi đá xám lạnh, bên cạnh những mảng xanh thẫm trong không gian hùng vĩ của rừng già, đá núi và mây trời.

+12h: ăn trưa ở bến thuyền luôn: nên thử ăn tôm sông ở đây, khá ngon, giá cả phải chăng. Nếu muốn ăn trưa thì đặt trước lúc thuyền rời bến, khi về là có cơm ăn rồi. Ngay bến thuyền có cho thuê trang phục, dọc đường đi lại có bán hàng rong nên mọi người có thể mua xuống thuyền vừa ngắm cảnh vừa ăn. Nhớ đừng vứt rác xuống sông nhé.

Đập thủy điện Nho Quế do Bitexco xây dựng
Thưởng thức ẩm thực được đánh bắt ngay trên con sông Nho Quế

+ 2h: check out homestay, di chuyển về Du Già

=> Đường từ Mèo Vạc về Du Già khá xấu, vì đang làm đường nên sỏi đá gập ghènh, nếu mưa sẽ rất lầy lội, trơn trợt dễ té. Thêm vào đó dễ có sạt lở và sương mù nữa. Nên xem xét kỹ thời tiết để chọn cung phù hợp. Bọn mình may mắn là đêm trước mưa nhưng hôm sau trời lại nắng nên đường cũng khá khô ráo.

Đường thì xấu nhưng bù lại cảnh hai bên đẹp không thực, để bù lại cho sự vất vả của lữ khách

=> Trên đường đi ghé nghỉ ngơi 1 chút tại cung đường chữ M. ở đây người ta cũng đang xây điểm dừng chân, dự là sau này xong sẽ có chỗ check in cho mọi người, vừa đổ xe vừa nghỉ ngơi, cafe.

Cung đường chữ M

=> Đường về Du Già rất đẹp, đặc biệt là đoạn từ Mậu Duệ về Du Già, con đường này mà đi vào tháng 3 mùa hoa gạo là rực rỡ sắc đỏ luôn.

+ 6h tối: check in homestay Hội, tắm rửa ăn tối, chill chill rượu ngô và lẩu, xong lại được giao lưu karaoke với các bạn du khách nước ngoài, ngồi nghe các bạn dân tộc H’mông và dân tộc Tày kể về văn hóa của họ, trên cả tuyệt vời.

– Ngày 4: Du Già – tp. Hà Giang – Hà Nội -HCM:

+ Ăn sáng tại homestay với mì gói trứng hoặc bánh crepe chuối, nhâm nhi ly cafe nhìn ngắm mây lững thững trôi giữa thung lũng Du Già, hít căng phồng hơi thở của thiên nhiên không nhiễm khói bụi. Dạo quanh làng ngắm nhìn những bông hoa đào trắng nở rộ, trò chuyện với các cô gái người Mông đang thu hoạch ngô. Cảm thấy bộn bề ngoài kia như dừng lại tại Du Già.

Ở Du Già, bạn chẳng cần làm gì cả, chỉ cần ngồi một chỗ ngắm nhìn trời mây thiên nhiên thôi cũng sẽ được chữa lành

Du Già là một xã vùng cao thuộc huyện Yên Minh, cách TP Hà Giang khoảng 70 km. Trên bản đồ du lịch Hà Giang, Du Già hiện lên với bức tranh hoang sơ, chưa được nhiều khách Việt biết đến. Khách đến Du Già đa số là người đam mê phượt, thích chinh phục những cung đường đèo mạo hiểm…

Du Già hiện lên như một bức tranh với bốn bề núi, những nương ngô trải dài và dòng suối quanh co…

=> Ở Du Già còn có các thác nước, khách Tây họ rất thịch tắm nhưng vì thời tiết khá lạnh và thời gian không cho phép nên bọn mình check out khách sạn và di chuyển về tp Hà Giang luôn.

+11h30: Ăn trưa tại Hà Giang, ghé Chợ Hà Giang mua ít đặc sản rồi về trả xe cho nhà xe Giang Sơn.

+2h: lên xe cabin Bằng Phấn về lại Hà Nội. Xe đón tại chỗ cho thuê xe máy Giang Sơn luôn nên rất thuận tiện

+8h tối xe về tới sảnh sân bay Nội Bài, ăn tối rồi bay về HCM. Kết thúc hành trình tốt đẹp đáng nhớ $0$

MỘT VÀI LƯU Ý CHO MỌI NGƯỜI:

– Trang phục: Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi, và mang phòng theo áo giữ ấm vì thời tiết ở Hà Giang thay đổi khá thất thường, đặc biệt là ở trên núi lạnh hơn dưới đồng bằng rất nhiều. Nên đi giày thể thao cho thoải mái vì các điểm tham quan ở Hà Giang có những nơi gần nhau sẽ phải đi bộ nhiều

– Thuốc: Bạn cần mang thuốc xịt côn trùng, thuốc chống say (nếu đi ô tô), thuốc đau đầu, đau bụng, băng gạc… để chuyến đi an toàn hơn.

– Các loại giấy tờ và hành lí: Nên mang căn cước công dân/CMND để xuất trình nơi lưu trú – đặc biệt là khu gần biên giới. Thuê xe máy thì chắc chắn phải đem cả chứng minh thư và bằng lái xe. Và cứ thấy cây xăng nào thì phải đổ đầy bình tránh trường hợp dắt bộ giữa đường.

– Khi vào bản, làng, vào nhà dân:

+ nếu trên đường có cắm “lá cây xanh” hoặc cắm “cọc dấu” thì không nên vào. Vì dân làng (hoặc chủ nhà) đang kiêng người lạ đến.

+Nên tránh việc huýt sao khi đi lại trong bản bởi khi huýt sao sẽ đồng nghĩa với việc gọi ma quỷ, bão giông về quấy nhiễu dân trong bản làng.

+Không xoa đầu các em nhỏ bởi họ quan niệm rằng việc làm có thể khiến cho trẻ nhỏ bị đau ốm, bệnh tật.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người có một chuyến đi đến “miền đá nở hoa” đầy tuyệt vời và đáng nhớ

p.s Mình sẽ lên các bài chi tiết về Lô Lô Chải, Dinh Vua Mèo, Du Già để mọi người tham khảo thêm

Bạn bè

#hà_giang #hagiang #hagiangvietnam #phuothagiang #dulichhagiangtutuc #meovac #sủng_là #dongvanhagiang #Lolochai #travelvietnam #travelhagiang