Một ngày “xuyên không” về Cổ trấn Đường Lâm

Hà Nội Vào một ngày đầu đông bình thường với cái thời tiết mát mẻ đâu đó 15°C, sau một giấc ngủ dài giật mình tỉnh giấc ngỡ ngàng “xuyên không” về mấy trăm năm trước. Ngạc nhiên và ngơ ngác vì mọi thứ trước mắt cứ tưởng chỉ thấy trong phim phục dựng ai dè được tận mắt thấy, tận tay sờ ở “cổ trấn bị lãng quên” – Làng Cổ Đường Lâm, Sơn Tây

1. Làng cổ Đường Lâm ở đâu?

Nằm cách hơn 50km về phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngôi làng cổ này nằm ở phía Nam sông Hồng, ngay cạnh ngã ba giao giữa đường mòn Hồ Chí Minh với quốc lộ 32.

Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.

2. Di chuyển đến làng cổ Đường Lâm thế nào?

Từ trung tâm Hà Nội có thể đi xe bus, xe máy, grab hoặc taxi đều được nhé. Cứ lên hỏi chị Google là ra. Tiết kiệm thì đi bus nhưng di chuyển hơi nhiều chặng và xa. Đi xe máy là chủ động nhất. Còn Kame đi grab car cho an toàn và giữ sức vì đến nơi còn đạp xe quanh làng.

  • Xe Bus:

– Từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây các bạn đi xe bus tuyến số 71, giá vé 14.000 VND.

– Đi từ bến Kim Mã đến bến xe Sơn Tây, tuyến số 70.

– Từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây: tuyến số 77.

👉Đến bến xe Sơn Tây bắt xe ôm hoặc taxi đi vào Làng cổ

  • Xe máy, ô tô cá nhân: đây là lựa chọn phù hợp với những bạn thích chủ động. Cung đường đến làng cổ cũng khá dễ đi, thuận tiện. Bạn chỉ cần di chuyển theo hướng Đại lộ Thăng Long, đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải, tiếp tục đi theo đường 21 qua Sơn Lộc, đi thêm một đoạn bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn vào làng cổ. Hoặc bạn có thể đi theo đường 32 đến thị xã Sơn Tây, sau đó đến ngã tư giao với đường 21 thì rẽ trái để vào làng cổ. Nếu đi xe máy thì gửi xe 10k, mua vé 20k (nhưng đi taxi/grab thì đi thẳng vào làng mà không tốn phí này.)
  • Xe khách: đây cũng là một trong những hình thức di chuyển  được nhiều du khách lựa chọn. Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể bắt tuyến xe Mỹ Đình – Phú Thọ để đến làng cổ Đường Lâm.

Thuê xe đạp để dạo chơi quanh làng từ sáng đến tối chỉ 50k/chiếc thôi.

3. Ăn uống:

Gần đình làng Mông Phụ có nhiều hàng nước để dừng chân sau khi bạn đi chơi mệt mỏi. Ở đây có chè xanh, nước vối hoặc nước suối, nước ngọt. Có thêm ít bánh kẹo đặc sản nhà làm như Chè lam, bánh gai, mè xửng… Ai mà có thèm cafe thì ghé cafe Làng, gần đình luôn. Giá đắt nhất cũng chỉ 25k.

Đây là cô hàng nước (fake) ngay đình làng Mông Phụ
Đây mới là “cô hàng nước” chân thật của quán nước ngay cây đa, giếng nước dình làng Mông Phụ
Tại hàng nước này, được cô chủ quán cho mượn sơ đồ dạo quanh cổ trấn,

Nếu muốn ăn trưa thì ghé nhà kế bên hàng nước đình làng Mông Phụ nhờ họ chuẩn bị trước. Trưa đấy nhà họ ăn gì thì nấu cho mình luôn. Cũng có đặc sản là thịt lợn và gà mía nướng. Đồ ăn cũng đậm vị “cơm nhà”.

Bữa cơm 50k đậm vị quê nhà, nóng hổi và vừa miệng cô gái miền Nam

Nếu muốn mua về làm quà thì có Chè Lam, Tương Gạo, …Tất cả đều hàng nhà làm hết.

4. Làng cổ Đường Lâm có gì đặc biệt?

Nếu bạn muốn trốn xa những xô bồ náo nhiệt, mệt mỏi vs công việc hàng ngày thì hãy tìm đến ” cổ trấn bị lãng quên này. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… và 956 ngôi nhà truyền thống. Hầu hết nhà cửa, đình làng… đều được xây bằng đá ong và có tuổi thọ trên 100. Con đường quanh quẩn trong làng đều được lót gạch sạch sẽ.

Làng cổ Đường lâm còn được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt ”, nơi sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, danh nhân, khoa bảng, hiền tài như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, bà chúa Mía, Ngô Quyền, thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện… Chính vì cùng là nơi sinh của 2 vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền nên Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Mảnh đất 2 vua”. Họ là những người đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

  • Cổng làng Mông Phụ

Trước khi tiến vào tham quan làng cổ Đường Lâm, bạn sẽ đi qua cổng làng Mông Phụ. Nơi đây được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ mang đậm nét văn hóa kiến trúc thời nhà Lê. Bên cạnh cổng còn có cây đa hơn 300 năm tuổi rủ bóng mát che nắng cho người dân nghỉ chân nằm bên cạnh bến nước xanh mát, khung cảnh này tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình, cổ kính và mang đậm hồn quê Bắc Bộ.

Cổng làng cổ Đường Lâm với cây đa hơn 300 tuổi, nằm bên cạnh bến nước xanh mát
  • Đình làng cổ 400 tuổi Đường Lâm
Đình làng Mông Phụ

Đi qua cổng làng tầm 500m thì sẽ đến được Đình Mông Phụ và được xây dựng từ năm 1684 mang đậm nét kiến trúc Việt – Mường với nhà sàn và sàn gỗ cách đất. Nơi này gồm Nghi Môn (Cổng tam quan rất to), sân đình, 2 tòa Tả Mạc và Hữu Mạc hai bên, ở giữa là tòa Đại đình. Bước vào bên trong bạn sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều bức hoành phi câu đối cổ có niên đại mấy trăm năm. 

Cổng Đình Làng Mông Phụ

Những tác phẩm điêu khắc độc đáo, tinh vi trong đình làng Mông Phụ là của cụ Mục Hùng – một người thợ cả tài hoa, có bộ óc sáng tạo và có đôi bàn tay vàng, ông đã có công trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này. Có thể nói, đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến trúc Việt, tạo nên một ngôi Đình không giống với bất kỳ ngôi Đình ở nơi nào khác.

Ngay bên cạnh đình Mông Phụ có 1 cái giếng rất to. Được xây bằng đá ong. Các cụ trong đình kể lại rằng, nước ở đây rất trong, người dân hay ra đó lấy nước về ăn hoặc làm tương nhưng không được tắm.

Giếng nước bên cạnh đình làng Mông Phụ, vừa qua có 1 đoàn phim quay xong vẽ vời lên thành giếng và họ phải làm sạch lại trả cho làng enn6 nhìn bề ngoài giếng khá mới
Hàng nước nhỏ bán ít quà bánh, trái cây địa phương, ngay cạnh bên đình làng Mông Phụ
  • Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Nơi đây được xây dựng từ thời vua Tự Đức, là nơi thờ phụng và tưởng nhớ công ơn của Thám hoa Giang Văn Minh – người có công sang Trung Quốc bảo vệ danh dự dân tộc. Ngày nay, nhà thờ không chỉ là một điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa hấp dẫn, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nhà thờ thám hoa GIang Văn Minh

Vị thám hoa Giang Văn Minh sinh năm 1573 tại Ấp Mông Phụ. Ông thi đỗ Thám hoa khoá Mậu Thìn (1682), đời Vua Lê Thần Tông. Khoa thi này không có người đỗ danh hiệu Trạng nguyên hay Bảng nhãn chỉ có danh hiệu Thám hoa. Ông là người học rộng, tài cao, là nhà ngoại giao uyên bác, khảng khái, dũng cảm. Năm 1637, Vua Lê cử Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ Trung Hoa. Khi vào yết kiến, Vua Minh có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong). Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong) như một lời nguyền nhân dân ta.

Nghe xong, mặc dù Thám hoa Giang Văn Minh rất căm giận nhưng ông vẫn bình tĩnh đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ). Vế đối đanh thép, tỏ rõ khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc, nhắc cho Vua Minh nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng nhuốm máu quân xâm lược phương Bắc: Chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938), chiến thắng quân Tống của Lê Đại Hành (năm 981) và chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo (năm 1288).

Tưởng làm nhục được sứ thần nước Việt, ngờ đâu bị Giang Văn Minh làm nhục. Bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh đã hèn hạ sai quân lính mổ bụng ông xem “Sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.  Sau khi giết hại ông, vua Minh lại khen ông là người tiết tháo, bèn sai lấy thủy ngân ướp xác, cho ngậm nhân sâm và cho vào quan tài đóng kín giao cho phái bộ nước Nam chuyển thi hài ông về nước. Được tin Thám hoa Giang Văn Minh chết một cách anh dũng, Vua Lê và Chúa Trịnh vô cùng thương tiếc. Đích thân vua đã về quê ông dự lễ an táng và tặng ông mấy chữ: Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng có nghĩa là “Đi sứ mà chẳng làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng thiên cổ” và truy phong cho ông chức “Công bộ Tả thị lang tước Vinh quận công”.

Đạp xe loanh quanh các con ngõ nhỏ 2 bên là tường nhà đá ong, mái cổng cổ kính.
Các con ngõ nhỏ mang đậm vị xưa cũ quanh làng cổ

Có thể đạp xe loanh quanh các con ngõ nhỏ 2 bên là tường nhà đá ong, mái cổng cổ kính. Có thể tham quan Đình Làng Mông Phụ, đền thờ bà Chúa Mía, Chùa, nhà thờ hoặc các nhà cổ trên 300 tuổi. Bạn cứ đạp xe quanh quanh, ngắm những vườn cây trĩu quả trong mái sân nhà, ngồi trò chuyện với cô hàng nước, mọi thứ bình yên đến lạ.

Cổng bên hông miếu Bà chúa Mía nhuốm màu xưa cũ
Bé Nâu – vị khách VIP dạo quanh làng ai gặp cũng phải nhường đường
  • Chùa Mía:

Chùa Mía là nơi hội tụ quần thể di tích đền chùa, miếu mạo được xây dựng từ lâu đời. Đây là vùng đất vẫn giữ được nét truyền thống với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Chùa Mía còn có tên hiệu là Sùng Nghiêm Tự.

Tương truyền từ thuở xa xưa người dân nơi đây mến mộ uy đức của cung phi đã đứng ra tôn tạo lại chùa nên tạc tượng bà đem thờ trong chùa và tôn sùng bà thành Bà Chúa Mía. Cho đến ngày nay, chùa được tu bổ rất nhiều lần nhưng nhìn chung kiến trúc và quy mô vẫn giữ nguyên vẹn như trước

Chùa Mía, còn có tên hiệu là Sùng Nghiêm Tự.
Thuê xe đạp và đi loanh quanh trong làng cổ, cứ thảnh thơi khám phá khắp các ngõ hẻm để tận mắt nhìn thấy kiến trúc cũ xưa, mang đậm dấu vết của thời gian
Tại làng cổ Đường Lâmđá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam
Mệt qua thì ngồi xuống quán nước ven đường làng, uống cốc nước vối ấm nóng, nhâm nhi chè lam đặc sản mà ngắm nhìn hơi thở của sự yên bình nơi cổ trấn
  • Nhà cổ ông Nguyễn Văn Hùng 400 năm tuổi

Tại làng cổ còn gần 1.000 ngôi nhà có kiến trúc truyền thống, 54 ngôi nhà mang giá trị tiêu biểu. Trong đó có tới 80% ngôi nhà được làm bằng đá ong. Đặc biệt, tại đây, có ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có tuổi đời lên tới gần 400 năm tuổi.

Ông Hùng kể rằng, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hán Nôm,ngôi nhà của gia đình ông được xây dựng từ năm 1649. Đến thời điểm hiện tại, ngôi nhà đã được xây dựng gần 400 năm. Gia đình ông đã có 12 đời sinh sống tại đây.

Ngôi nhà có sân rộng trước gian chính, lối đi lát gạch đỏ, gian bếp tách riêng biệt. Nhà cổ vẫn được duy trì dựng hoàn toàn bằng gỗ từ thời tổ tiên để lại. Cổng nhà hình quai giỏ, làm bằng gỗ, đường nét mềm mại nhưng lại vô cùng chắc chắn nhờ tường bằng đá ong truyền thống.

Nhà cổ Ông Hùng- Ngay khi tới cổng, đã được nhìn thấy chiếc cổng cổ được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính.

Cấu trúc nhà vườn liền kề nối tiếp nhau theo thứ tự cổng đến ngõ vào nhà. Nhà xây dựng khá thấp được lợp bằng ngói móc, ngói ri, có hiên rộng hướng mặt ra vườn và bao quanh là tường… tạo không gian kín đáo.

Tại làng cổ Đường Lâm, đá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam.

Đá ong là loại đá được lấy từ sâu trong lòng đất, có bề mặt xù xì, nhiều lỗ, có hình dạng giống như tổ ong. Tại làng cổ Đường Lâm, đá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam. Để làm được 1 ngôi nhà cổ, thông thường cần khoảng 1.500 viên đá ong và kết hợp với bùn non hoặc đất để làm vữa là được.

Bức ảnh kỷ niệm được một người bạn xa lạ từ Thổ Nhĩ Kỳ ghé tham quan làng cổ Đường Lâm chụp giúp ngay cổng làng

Dạo quanh làng cổ tầm gần 1 ngày là quá đủ. Kết thúc hành trình 1 ngày “xuyên không” về quá khứ quá tuyệt vời.

#review #langcoDuongLam #cotranDuongLam #Đường_Lâm #DuonglamSonTay