Về miền cổ tích Lô Lô Chải
“Đi về nơi có gió” -phiên bản Việt Nam – hãy đến thăm Làng Văn Hóa Du Lịch Lô Lô Chải trong hành trình chinh phục “miền đá nở hoa” Hà Giang
Thôn Lô Lô Chải (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nằm sát điểm cực Bắc Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5 km. Lô Lô Chải là nơi vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống với những căn nhà trình tường từ nhiều đời của người Lô Lô.
Nhiều bạn đến đây ví Lô Lô Chải giống như làng Vân Miêu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nổi tiếng trong bộ phim “Đi đến nơi có gió” với sự tham gia của hai diễn viên chính là Lưu Diệc Phi và Lý Hiện. Bộ phim nói về cuộc sống của một vùng quê tại Trung Quốc, nơi con người sống quây quần, tình cảm, xây homestay, làm du lịch với nhiều hoạt động cho du khách. Và Lô Lô Chải đã được công nhận là Làng Văn hóa Du lịch Đầu năm 2022. Gần hai năm qua, chính quyền và người dân đã cùng phối hợp làm du lịch chuyên nghiệp và bài bản hơn. Lượng du khách đến thôn ngày một đông hơn và đời sống người dân cũng tốt dần hơn. Đường sá trong thôn cũng được làm lại sạch đẹp.
Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km, là nơi sinh sống của tộc người Mông lẫn người Lô Lô xuyên suốt các thập kỷ. Làng Lô Lô Chải lưu giữ biết bao giá trị văn hóa cộng đồng của các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn xinh đẹp.
Hiện thôn có 119 hộ với 542 nhân khẩu, trong đó có 42 hộ làm homestay, 5 hộ làm thêm nhà hàng. Ngày khách đông nhất lên tới 600 người, thường vào cuối tuần, dịp lễ Tết. Ngày thường, trung bình có 100-200 lượt khách lưu trú.
Những nếp nhà ở Lô Lô, tất cả vẫn là kiểu trình tường truyền thống. Hàng rào đá, vách đất nâu, những bắp ngô phơi trên xà nhà, cùng những cây đào hay vạt cải xanh trước cửa. Các mái nhà lợp ngói máng nằm san sát nhau tạo nên khung cảnh bình dị, yên ả. Để phù hợp làm du lịch, các hộ dân đã sửa sang, làm thêm vệ sinh khép kín, tiện cho du khách đến ăn nghỉ, sinh hoạt, nhưng không làm ảnh hưởng đến kiến trúc bên ngoài và tổng thể.
Giá thuê homestay ở Lô Lô Chải hiện dao động từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng một đêm, tùy thuộc vào phòng cộng đồng (dorm) hay phòng riêng. Các phòng đều được vệ sinh sạch sẽ. Có đầy đủ tiện nghi máy nước nóng lạnh. Bạn cũng có thể đặt đồ ăn tại homestay, nhờ chủ home nấu ăn.
Người dân Lô Lô cũng truyền thống cực kỳ, với bộ váy áo đắp nổi thổ cẩm đẹp mê tơi, và những món lẩu gà đen ngon quá xá vì rau cải ở đây quá tươi ngọt. Nếu đến Lô Lô Chải hãy thử trải nghiệm mặc trên người những bộ váy áo cầu kỳ, sặc sỡ – sản phẩm của sự cần cù, chịu khó với đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Lô Lô. Trên đó thêu những họa tiết mắt chim, chân chim, ruộng bậc thang, tam giác mạch… Vậy là bạn đã mặc trên người một trong những bộ trang phục truyền thống độc đáo bậc nhất trên cao nguyên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Điều mà mình rất thích ở Lô Lô, là sự yên bình, không lẫn một chút xô bồ tạp niệm. Người dân thật thà chân chất, và sự hồn hậu khiến bất cứ tâm hồn nào cũng hóa thơ ngây.
Ở nơi địa đầu tổ quốc dường như cuối đông đầu xuân lại rét lạnh hơn nhiều. Buổi tối ngồi xì xụp bên nồi lẩu gà đen nghi ngút khói, nâng chén cụng ly rượu ngô nhà bác trưởng thôn tự nấu đã dăm ba năm, quây quần chém gío cùng đồng bạn rồi lại được nghe về lịch sử văn hóa của người Lô Lô từ anh bạn trẻ đẹp zai bàn bên, ta nói nó chill lắm.
Sáng thức dậy trong cái rét lạnh, làm tô mì gói nóng hôi hổi rồi nhâm nhi cốc cafe đặc quánh ở quán Cafe Cực Bắc, ngắm mây bay và đợi nắng xiên ngang qua những rặng đào trước ngõ.
Lô Lô Chải vẫn còn lưu giữ biết bao làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm mộc, thêu thùa… cùng những lễ hội trứ danh như Lễ cúngTổ tiên, lễ mừng lúa, mừng nhà mới…
Tết tháng Bảy – còn được gọi là Tết “Xi lòn dủ” – Lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô đen, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Theo truyền thống, cứ đến ngày 25/7 âm lịch, khi công việc đồng áng tương đối nhàn rỗi, đồng bào dân tộc Lô Lô đen lại tổ chức Lễ cúng tổ tiên – lễ hội quan trọng nhất, lớn nhất và không thể thiếu trong năm của đồng bào Lô Lô đen nơi cực Bắc Tổ quốc. Những ngày này, người dân trong bản dù có đi làm ăn xa, đi học xa cũng sẽ trở về nhà dự Lễ cúng tổ tiên và ăn Tết tháng Bảy.
Lạc bước vào những con ngõ nhỏ xíu quanh làng, đường đất mòn đầy bụi, hai bên hàng rào đá vững như bàn thạch phối với bức tường đất nứt nẻ mà kiên cố, ghé mắt nhìn bọn trẻ con lấm lem nô đùa trong sân hay mắc cỡ với khách lạ mà nép mình sau lưng các bà mẹ đang hái rau cải… tự nhiên cái thấy bình yên đến lạ, lòng nhẹ tênh.
P.s: “Gắn với du lịch nhưng không đánh đổi bằng việc hủy hoại thiên nhiên mà cùng đó tôn tạo, nâng cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, ấy là chìa khóa để phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai.”
#hà_giang#cực_bắc #lô_lô_chải #lolochai #langlolochai #phuothagiang #hagiangloop